Theo báo trên, có nhiều lý do khác khiến một số nhà lãnh đạo phải thúc đẩy việc di dời thủ đô, ngoài yếu tố địa lý, lịch sử, còn có nguyên nhân địa chính trị. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu người Pháp Jean-Fabien Steck, việc di dời thủ đô mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn.
Rời đô vì khí hậu
Ngày 26-8 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy "địa điểm lý tưởng nhất" để đặt thủ đô mới của Indonesia là một khu vực thuộc các vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan. Theo đó, địa điểm đặt thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm gần thành phố Balikpapan.
Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện tại Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người. Do địa thế thấp, thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang thấp dần so với mực nước biển, trung bình 18cm mỗi năm. Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Jakarta, ước tính mỗi năm gây thiệt hại kinh tế tới 7,04 tỷ USD. Trong trường hợp của Jakarta, vấn đề biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến Chính phủ Indonesia quyết định rời đô.
 |
Một góc thủ đô Jakarta của Indonesia hiện nay. Ảnh: REUTERS. |
Belize là thủ đô hiện nay của Trung Mỹ. Trước đây, thủ đô của quốc gia này là Belmopan-là một trong những thủ đô nhỏ nhất thế giới. Năm 1961, một trận siêu bão đã tàn phá thủ đô buộc chính phủ nước này quyết định rời đô tới Belize vào năm 1970.
Dấu ấn lịch sử
Nhiều thủ đô được xác định bởi yếu tố lịch sử của vùng đất hoặc mang dấu ấn lịch sử. Tại Malaysia, chính phủ này mong muốn xây dựng thành phố hiện đại nên đã thúc đẩy một dự án mới cho phép Putrajaya trở thành thủ đô hành chính vào năm 1999. Được tạo thành từ 40% không gian xanh, thành phố Putrajaya được xem là dễ thở hơn so với Kuala Lumpur, nơi vẫn được coi là thủ đô lịch sử và chính thức, ở cách đó 20km.
Điều tương tự cũng xảy ra với Bờ Biển Ngà. Tổng thống Houphouët-Boigny đã tuyên bố Yamoussoukro thay thế Abidjan để làm thủ đô của quốc gia này vào năm 1983. Mục đích của việc di dời thủ đô được ông Houphouët-Boigny nêu ra là nhằm chấm dứt quá khứ thuộc địa ở Abidjan. Thế nhưng, còn có một lý do khác nữa: Yamoussoukro là ngôi làng mà ông Houphouët-Boigny được sinh ra.
Thành phố Yamoussoukro sau đó đã nhanh chóng phát triển hạ tầng và tiện ích công cộng. Tuy nhiên, do nền kinh tế Bờ Biển Ngà giảm sút kể từ đầu thập niên 1980, công cuộc xây dựng thành phố này để làm thủ đô bị trì hoãn và hiện vẫn chưa hoàn thiện để chuyển chính phủ đến. Abidjan vẫn là thủ đô kinh tế và thành phố đông dân nhất ở khu vực Tây Phi.
Với Kazakhstan, quốc gia Trung Á này cũng muốn khẳng định lại nền độc lập bằng cách thay đổi thủ đô. Mặc dù Kazakhstan đã 6 lần thay đổi thủ đô kể từ năm 1917, nhưng dưới thời kỳ của Tổng thống Nurseult Nazarbayev vào năm 1994, Almaty-thủ đô lịch sử của nước này đã được thay thế bằng Astana. Tháng 3 vừa qua, Kazakhstan một lần nữa đổi tên Astana thành tên của cựu Tổng thống Nurseult Nazarbayev, người đã từ chức sau gần 30 năm nắm quyền.
Ở châu Âu, một số quốc gia cũng muốn thay đổi thủ đô do những yếu tố lịch sử. Có thể kể đến trường hợp ở nước Đức. Berlin từng là thủ đô của Vương quốc Phổ sau đó được đổi thành Frankfurt trong vòng 60 năm. Berlin trở thành tên thủ đô chính thức sau khi nước Đức thống nhất. Một sự thay đổi mạnh mẽ mang tính biểu tượng cao.
Tìm kiếm an toàn
Naypyidaw hay "ngôi nhà của các vị vua" là thủ đô của Myanmar từ năm 2005. Thành phố này có diện tích lớn gấp 6 lần thành phố New York (Mỹ), được xây dựng giữa rừng rậm và nằm ở trung tâm Myanmar. Trước đó, Yangon là thủ đô của Myanmar khi quốc gia này nằm dưới ách thống trị của người Anh. Yangon cũng là thủ đô kinh tế và là thành phố đông dân nhất ở Myanmar với khoảng 4,5 triệu dân.
Vấn đề an ninh nội bộ cũng khiến chính quyền Pakistan xây dựng thủ đô mới. Nhà quân sự Ayub Khan lãnh đạo đất nước Pakistan từ năm 1958 đến 1969 đã quyết định thay thế thủ đô Karachi bằng Islamabad nhằm bảo vệ đất nước trong trường hợp bị xâm lược vì Islamabad có địa hình nhiều núi và khá gần dãy núi Himalaya.
Quá đông đúc và trung tâm quyền lực
Thủ đô Cairo của Ai Cập có tới 20 triệu dân. Đây là lý do chính để chính quyền Ai Cập xem xét việc xây dựng một thủ đô mới. Hiện tại, thủ đô tương lai của Ai Cập đang được xây dựng cách Cairo khoảng 45km và gần với Kênh đào Suez.
Để giải tỏa áp lực dân số cho Lagos, một trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới với 21 triệu người hiện nay, quân đội Nigeria đã quyết định xây dựng Abuja ở trung tâm thảo nguyên để duy trì sự cân bằng giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Abuja trở thành thủ đô chính thức của Nigeria vào năm 1991.
Không giống như Ai Cập và Nigeria, Brazil di dời thủ đô bởi vì tính trung tâm quyền lực. Từ năm 1763 đến 1956, thủ đô Rio de Janeiro là nơi tập trung mọi cơ quan quyền lực của Brazil. Năm 1956, Tổng thống thứ 21 của Brazil là Juscelino Kubitschek đã bắt tay vào dự án xây dựng thủ đô mới có hình dạng máy bay. Dự án này chỉ kéo dài 4 năm và Brasília chính thức trở thành thủ đô của Brazil từ năm 1960.
BÌNH NGUYÊN (dịch)