Căn cứ quân sự Mỹ ở ngoại ô Poltava

Theo số liệu thống kê quân sự, riêng trong năm 1943, lực lượng quân đồng minh đã ném xuống quân đội phát xít Đức hơn 200.000 quả bom. Những trận ném bom quy mô lớn được tổ chức chặt chẽ đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại cỗ máy quân sự của chế độ Đức Quốc xã. Việc bay thẳng từ Hoa Kỳ sang chiến trường châu Âu gặp nhiều trở ngại, trong khi máy bay của Anh thì ngay lập tức rơi vào lưới hỏa lực của hệ thống phòng không quân phát xít. Đã từng có thời gian, quân đồng minh tính ném bom phát xít Đức từ khu vực miền Nam nước Ý, nhưng sau đó đành phải từ bỏ ý định này. Theo ý kiến thống nhất giữa Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill khi đó, phương án lý tưởng là đặt một căn cứ không quân trực tiếp trên lãnh thổ của Liên Xô, gần nơi diễn ra chiến sự. Bởi lẽ, ý tưởng này không chỉ phù hợp với tình hình thực tiễn, mà còn vô cùng cần thiết đối với tất cả các bên liên quan. Vì vậy, trong khuôn khổ chiến dịch Frantic, ông Roosevelt đã đề xuất với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin thành lập một căn cứ không quân của Mỹ, đặt ở ngoại ô thành phố Poltava của Ukraine.  

Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô Joseph Stalin đã không phản đối điều đó, và công việc được bắt đầu khẩn trương triển khai. Khi đó, người ta xây dựng không chỉ một sân bay bình thường, mà còn có một đường băng có thể tiếp nhận những máy bay ném bom siêu nặng. Để xây dựng căn cứ này, gần 50.000 tấm thép đặc biệt đã được vận chuyển đến từ Anh bằng những đoàn tàu biển bí mật. Các chuyên gia người Anh cũng được cử đến để lắp ráp. Khi mọi công việc hoàn tất, các quân nhân Mỹ được đưa đến Liên Xô để tổ chức hoạt động của căn cứ không quân.

Một máy bay tại căn cứ quân sự của Mỹ ở ngoại ô Poltava. Nguồn: russian7.ru 

Những đợt xuất kích

Chiếc máy bay đầu tiên cất cánh từ đường băng của căn cứ không quân Mỹ ở ngoại ô Poltava vào mùa hè năm 1944. Một ngày tháng 6 năm đó, 200 pháo đài bay Boeing B-17 cất cánh từ một sân bay tại Ý. Sau khi ném bom vào các vị trí của quân Đức ở ngoại ô thành phố Derbrecen của Hungary, chúng hạ cánh xuống khu vực gần thành phố Poltava.

Ba ngày sau, dưới sự yểm trợ của các máy bay tiêm kích, những chiếc oanh tạc cơ đã phá nát các vị trí của quân phát xít tại Romania. Dường như mục tiêu đã đạt được, và các đợt ném bom tập trung cần được thường xuyên tiến hành nhằm vào quân Đức. Nhưng không may, mọi thứ lại diễn ra không hề đơn giản như ban đầu. Ngay sau đợt xuất kích thứ hai của không quân đồng minh, máy bay Đức đã theo dõi địa điểm cất cánh của máy bay ném bom và báo cáo về Bộ chỉ huy của mình. Ban lãnh đạo lực lượng không quân Đức Quốc xã ra quyết định sẽ tấn công đáp trả mà không cần đợi đến đợt ném bom tiếp theo.

Đêm ngày 22-6-1944, tròn 3 năm ngày bắt đầu nổ ra cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, 75 oanh tạc cơ của Đức Quốc xã đã cất cánh hướng về sân bay của quân đồng minh ở ngoại ô Poltava. Trong khi đó, ban chỉ huy căn cứ không quân tỏ ra tự tin đến mức cho rằng, người Đức không hề biết vị trí chính xác của căn cứ, nên đã không lắp đặt bất kỳ khẩu pháo phòng không nào, cũng như không có hệ thống chiếu sáng báo động hoặc radar. Máy bay ném bom của Đức bổ nhào xuống như tuyết rơi trên đầu. Chỉ trong nháy mắt, 64 chiếc trong số 200 pháo đài bay đã bị phá hủy. Cùng với đó, quân đồng minh còn bị tổn thất thêm một số máy bay tiêm kích và kho vũ khí.

Việc mất quá nhiều máy bay ném bom chiến lược cùng một lúc là đòn giáng nặng nề đối với Hoa Kỳ. Ngay lập tức sau đó, căn cứ quân sự được trang bị hệ thống radar và pháo phòng không cực mạnh. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp được triển khai đều trở nên vô ích, bởi đã mất đi yếu tố bất ngờ. Người Đức giờ đây đã biết rất rõ nơi xuất phát những cuộc không kích của quân đồng minh, sẵn sàng đáp trả bằng hỏa lực của cả pháo phòng không và cả máy bay chiến đấu. Sau trận ném bom thảm khốc đó, người Mỹ chỉ thực hiện được 5 lần xuất kích từ căn cứ không quân ở ngoại ô Poltava, sau đó thì sân bay đã chấm dứt hoạt động.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)