Trước tiên phải kể tới chuyến công du 3 nước châu Phi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 1-3, nhằm cứu vãn ảnh hưởng của Paris tại lục địa có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng này. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Paris lo ngại về hiệu ứng domino “quay lưng” lại với Pháp ở các nước châu Phi. 

Burkina Faso trở thành quốc gia mới nhất từ chối sự giúp đỡ của Pháp sau khi nước này gần đây đã chấm dứt hiệp định quân sự cho phép Pháp đưa quân đến dẹp lực lượng nổi dậy ở quốc gia Tây Phi này. Vào năm ngoái, Pháp cũng rút quân khỏi Mali sau một thập kỷ quân đội Pháp hiện diện tại đây để chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy, mà một trong những căn nguyên phải kể tới mối quan hệ đổ vỡ giữa Pháp với chính quyền quân sự tại Bamako. 

leftcenterrightdel
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (đứng giữa) cùng người đồng cấp Rwanda Paul Kagame (bên trái) và CHDC Congo Felix Tshisekedi trong một cuộc gặp năm 2022. Ảnh minh hoạ-Ảnh: Getty 

Pháp cũng gặp một số trở ngại trong việc phát triển mối quan hệ với châu Phi do một số quốc gia vẫn mang tâm lý chống Pháp từ thời kỳ thực dân trước đây. Giới phân tích còn cho rằng sự hiện diện của Nga nhiều hơn ở khu vực cũng là một rào cản đối với Pháp trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại đây. 

Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, thời gian qua Nga đã đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các nước châu Phi. Chính sách của Nga đối với châu Phi tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và quân sự thông qua tăng cường trao đổi thương mại, gia tăng các thỏa thuận vũ khí và hợp tác an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nga đang cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Phi, thông qua sự có mặt của các công ty lớn của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác và khai thác khoáng sản. Trên nền tảng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống có từ thời Liên Xô trước đây với các nước châu Phi, nước Nga hiện nay nhận được sự ủng hộ của các nước châu Phi, nhất là trong việc chống lại các chính sách đối với nước này của Mỹ và phương Tây. 

Nhằm củng cố quan hệ với các nước châu Phi, vào tháng 7 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại thành phố St. Petersburg. Cuộc tập trận chung trên biển từ ngày 17-2 do Nam Phi tổ chức cùng với Nga và Trung Quốc diễn ra vào dịp tròn một năm bùng nổ cuộc xung đột Ukraine cũng là động thái đáng chú ý, cho thấy mối quan hệ giữa Moscow với quốc gia có vai trò hàng đầu ở châu Phi này đang ngày càng gần gũi. 

Còn đối với Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Washington đã cho thấy sự quan tâm trở lại đối với châu Phi sau một thời gian dài lục địa này gần như được xếp ở vị trí cuối cùng trong các ưu tiên đối ngoại của Washington. Với quyết tâm giành lại vai trò cầm trịch ở châu Phi, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tăng cường các hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế hướng tới châu Phi trong thời gian qua. Trong đó phải kể tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi được tổ chức tại Washington tháng 12-2022 dưới sự chủ trì của Tổng thống Joe Biden. 

Trong khi các cường quốc đối thủ còn đang bộn bề với những mối quan tâm khác ngoài châu Phi, Trung Quốc đã củng cố vị thế và gia tăng vai trò ảnh hưởng ở lục địa này theo cách của mình. Trung Quốc hiện là đối tác quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều nước châu Phi. Kể từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Hiện có hơn 50 quốc gia châu Phi là thành viên hoặc là đối tác của Sáng kiến “Vành đai và con đường”.

Rõ ràng trong thế cạnh tranh chiến lược toàn cầu hiện nay, với tiềm năng phát triển và vị trí địa chiến lược quan trọng của mình, châu Phi đang ngày càng chứng tỏ là khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Phi đã tỏ rõ lập trường từ chối chọn bên vì đều muốn ở giữa hưởng lợi từ các cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc.

Trong bối cảnh cục diện quan hệ quốc tế chia rẽ và bị chi phối mạnh mẽ bởi cuộc xung đột Ukraine như hiện nay, Nam Phi đã khẳng định quan điểm trung lập của mình đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Nam Phi đã bác bỏ những chỉ trích đối với cuộc tập trận chung với Nga và Trung Quốc vào thời điểm gần tròn một năm cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh nước này cũng tổ chức hoạt động tương tự với các đối tác quốc tế khác. 

Việc các quốc gia châu Phi tỏ ra cẩn trọng trước cuộc cạnh tranh chiến lược của các cường quốc ở lục địa này cũng là điều dễ hiểu. Cuộc cạnh tranh chiến lược chính là thời cơ để lục địa đói nghèo này bứt phá vươn lên, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.

Việc các cường quốc trên thế giới đều lấy kinh tế làm trọng tâm trong chiến lược tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi sẽ tạo cơ hội để các nước tại châu lục này tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh...

HẠNH NGUYÊN