Trong lần trò chuyện cuối cùng với người cha trước đây cũng là bác sĩ, Lorna Breen đã chia sẻ về nỗi kinh hoàng khi phải thường xuyên chứng kiến các bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có những người đã trút hơi thở cuối cùng ngay trước khi được đưa ra khỏi xe cứu thương.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp sau sự ra đi của nữ bác sĩ 49 tuổi này. Bệnh viện nơi bà làm việc, trong thông báo về cái chết của Lorna Breen, không thấy đề cập đến nguyên nhân. Bản thân nữ bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và được cho nghỉ việc ngay lập tức để tự cách ly tại nhà. Sau đó bà trở lại làm việc, nhưng một lần nữa lại bị trả về gia đình. Sự tuyệt vọng là khó tránh khỏi, vì hơn ai hết bà hiểu điều gì sẽ xảy ra với một bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà thiếu sự chăm sóc, điều trị y tế.
 |
Nữ bác sĩ Lorna Breen. Ảnh: nypost.com |
Được biết, nữ bác sĩ không có tiền sử bệnh tâm thần. Không loại trừ khả năng bà đã bị sang chấn tâm lý, mà theo các chuyên gia về sức khỏe, đây đang trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự đối với các nhân viên y tế và những người mất người thân vì Covid-19. Kiệt sức vì làm việc quá nhiều giờ, bệnh nhân quá đông, hệ thống cơ sở vật chất bị quá tải và trang bị thiếu thốn, nhưng khủng khiếp nhất vẫn là việc chứng kiến quá nhiều bệnh nhân ra đi ngay trước mắt mình. Đây là những điều tồi tệ mà Lorna Breen cùng đồng nghiệp đã phải trải qua kể từ khi New York trở thành tâm dịch của nước Mỹ. Bệnh viện New York-Presbyterian Allen với 200 giường bệnh mà có lúc phải tiếp nhận 170 bệnh nhân Covid-19.
Ở bất kỳ đâu trên thế giới, nơi đại dịch tràn qua, cũng có thể thấy những trường hợp bác sĩ và đồng nghiệp của họ phải vất vả, hy sinh rất nhiều để đảm đương nhiệm vụ. Ở Indonesia, một nữ bác sĩ qua đời vì nhiễm Covid-19 chỉ hai ngày trước khi tổ chức đám cưới. Một thống kê trong tháng 4 cho thấy, 24 bác sĩ của nước này đã tử vong do Covid-19 trong khi đang làm nhiệm vụ. Còn tại Italy, gần 17.000 người nhiễm là nhân viên y tế và trong số này, hơn 100 bác sĩ đã vĩnh biệt cuộc sống… Trong khi đó, ở Đức, một nhóm các bác sĩ được truyền cảm hứng từ một bác sĩ Pháp đã tự chụp ảnh khỏa thân để cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương do thiếu hụt nghiêm trọng các trang thiết bị bảo hộ y tế khi cứu chữa bệnh nhân Covid-19…
Bi kịch như của Lorna Breen không phải là đầu tiên, trong bối cảnh nước Mỹ đang vật lộn với đại dịch. Trước bà, nước Mỹ đã ghi nhận trường hợp nhân viên y tế tự tử vì phải trải qua những điều kinh hoàng trong đại dịch. Bác sĩ đầu tiên của Mỹ tử vong vì nhiễm Covid-19 là Frank Gabrin, bác sĩ cấp cứu cũng ở tâm dịch New York, người đã phải tái sử dụng chiếc khẩu trang N95 nhiều lần và dùng một đôi găng tay rách vì nó quá chật trong khi làm việc.
Ngăn chặn đại dịch Covid-19 được xác định là một cuộc chiến, nên những mất mát và hy sinh là điều khó tránh khỏi. Nhưng sự hy sinh và cống hiến của những bác sĩ như Lorna Breen không hề vô nghĩa mà có giá trị thức tỉnh. Trong cộng đồng, đây đó vẫn có không ít người chủ quan, thậm chí là thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, sự hy sinh tính mạng của các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch chính là lời cảnh báo cho thấy sự tàn khốc của đại dịch. Những hy sinh ấy một lần nữa kêu gọi mọi người cần thắt chặt hơn nữa vòng tay để chiến thắng đại dịch.
Đánh giá cao những cống hiến của nữ bác sĩ Lorna Breen, Bệnh viện New York-Presbyterian Allen ca ngợi bà là người hùng. Còn nhiều sự hy sinh như thế của đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch đã và đang được cộng đồng tôn vinh. Ở Israel, trong Ngày Quốc khánh vừa qua, để tri ân và ghi nhớ công ơn của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, đội bay vẫn trình diễn hằng năm đã bay trên nóc các bệnh viện trên khắp Israel. Thông điệp này còn để bày tỏ tình đoàn kết, chia sẻ với các y sĩ, bác sĩ ở nơi tiền tuyến chiến đấu với đại dịch. Ở đây đó khắp nơi trên thế giới, theo nhiều cách khác nhau, các cộng đồng, thậm chí nhiều cá nhân cũng dành tình cảm tri ân những “lá chắn sống” đã cứu họ và người thân của họ khỏi lưỡi hái của “tử thần” Covid-19. Thành công của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trong khống chế đại dịch càng tiếp thêm niềm tin, hy vọng ở những con người dũng cảm và kiên cường giữ vững “chiến tuyến” ấy.
Bao nhiêu sự tri ân cũng là không đủ với những mất mát, hy sinh, nhưng sẽ là nguồn động viên tinh thần giúp họ vững vàng hơn. Trên hết, những con người đã và đang cống hiến hết mình trên tuyến đầu chống dịch như Lorna Breen sẽ mãi là những anh hùng.
MỸ HẠNH