Không cần phải nhắc lại những tổn thất mà nó gây ra cho nền kinh tế thế giới, bởi dù sao sự cũng đã rồi. Điều cần quan tâm hơn đó là sự cố này đã bộc lộ những “nút thắt” của nền kinh tế thế giới như thế nào, để từ đó tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.

Sự mong manh của chuỗi cung ứng giấy vệ sinh do con tàu chở container khổng lồ Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez đã sớm được bộc lộ. Công ty Suzano SA (Brazil), nhà sản xuất nguyên liệu thô để làm giấy vệ sinh lớn nhất thế giới, cảnh báo rằng việc gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến tình trạng thiếu container có thể gây ra cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh toàn cầu. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do vụ ách tắc tại kênh đào Suez. Tổng giám đốc Suzano SA, ông Walter Schalka cho biết, sự cố khiến việc tìm kiếm container để vận chuyển hàng càng khó khăn hơn. Lãnh đạo Suzano SA cho biết, công ty đang phải dời thời hạn giao hàng từ tháng 3 sang tháng 4 và nếu việc giao thương tiếp tục bị gián đoạn, các nhà sản xuất giấy vệ sinh sẽ chịu cảnh thiếu nguồn nguyên liệu.

Không phải đợi tới khi vụ mắc kẹt tàu xảy ra, nền kinh tế toàn cầu mới bộc lộ rõ những “nút thắt”. Giới chuyên gia cho rằng, những “nút thắt” kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn trong những tháng gần đây. Trong đó, phải kể tới chuỗi cung ứng đồ bảo hộ cá nhân (PPE) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phải lao đao hồi năm ngoái do sự thiếu hụt các container vận chuyển hàng hóa.

Từ những tác động của sự cố này đối với nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia trên thế giới càng bị thôi thúc phải thực hiện ý tưởng tìm lựa chọn thay thế cho kênh đào Suez, nhằm tránh để bị phụ thuộc vào tuyến huyết mạch trọng yếu này. Nếu không, chưa ai dám chắc tai nạn kiểu này sẽ không lặp lại một lần nữa và hậu quả khi đó có thể còn tồi tệ hơn. “Siêu tàu” Ever Given chỉ là một trong số các "siêu tàu" container. Thậm chí, các "siêu tàu" lớn hơn đang trong quá trình xây dựng và sẽ hoạt động trên các tuyến đường thương mại trong một vài năm tới. Và thực tế là các con tàu khổng lồ này lại có kích cỡ lớn hơn so với nhiều khu cảng. Trong khi đó, tình trạng nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao đang đe dọa các cảng biển này.

Sự số ở kênh đào Suez được Nga coi là cơ hội để quảng bá tuyến vận tải phương Bắc (NSR), một hành lang hàng hải Bắc Cực mà Nga đang khá kỳ vọng. Rõ ràng sự cố ở kênh đào Suez cho thấy “tuyến vận tải giữa châu Âu và châu Á này mong manh tới mức nào”. Ông Vladimir Panov, quan chức phụ trách Bắc Cực của Nga cho biết, sự phát triển của NSR có thể giúp khắc phục những rủi ro hậu cần và khiến thương mại toàn cầu bền vững hơn. Theo ông, “chắc chắn những nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tính tới kịch bản phong tỏa kênh đào Suez để cân nhắc các kế hoạch chiến lược dài hạn”.

Việc kênh đào Suez đóng cửa không phải là điều chưa có tiền lệ. Trước đó, tuyến đường này đã phải tạm dừng hoạt động tới 5 lần, 3 lần do tai nạn và 2 lần vì xung đột chính trị. Nhưng các sự cố đóng cửa này xảy ra vào thời kỳ khi đó nền kinh tế quốc tế chưa có mức độ toàn cầu hóa như hiện nay. Hơn ai hết, chính những quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải gánh chịu những tác động từ sự cố “siêu tàu” mắc kẹt gần đây. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá ngày một hội nhập hơn với nền kinh tế thế giới và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, mỗi biến cố bất thường xảy ra cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Theo các chuyên gia, vụ tàu hàng mắc kẹt tại kênh đào Suez có tác động nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và cung cấp dịch vụ hậu cần (Logistics). Hàng hóa vận chuyển chậm dẫn tới việc các doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt do chậm giao theo hợp đồng. Việc kênh đào Suez bị ngừng lưu thông khiến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu bị ảnh hưởng. Đối với Việt Nam, kênh đào Suez là tuyến đường giao hàng với châu Âu và một phần bờ Đông nước Mỹ. Khối lượng hàng hóa giao thương với châu Âu đi qua kênh đào Suez đã gia tăng từ sau khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Anh và khu vực Liên minh Kinh tế Á-Âu. Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam qua châu Âu tăng 18% và nhập khẩu tăng 12%, cho thấy vai trò quan trọng của kênh đào Suez. Ở thời điểm hiện tại, phần lớn hàng hóa của Việt Nam tới châu Âu đều được vận chuyển bằng đường biển, qua kênh đào Suez.

HẠNH NGUYÊN