Tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch với hơn 765.700 ca tử vong trong tổng số gần 46.772.000 ca nhiễm. Hai quốc gia xếp ngay sau Mỹ lần lượt là Ấn Độ (hơn 34.259.700 ca nhiễm, hơn 457.770 ca tử vong) và Brazil (hơn 21.793.400 ca nhiễm, hơn 607.500 ca tử vong). Nếu tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất với 607 trường hợp tử vong/100.000 dân.
Đáng chú ý, số liệu thống kê ở một số quốc gia cũng như ý kiến đánh giá của các chuyên gia y tế cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 cũng như số ca tử vong trên toàn thế giới có thể còn cao hơn nhiều so với những con số được công bố. Điển hình như tại Nga, Cơ quan Thống kê nhà nước của Nga (Rosstat) ngày 29-10 thông báo, ít nhất 44.265 người tại Nga đã tử vong trong tháng 9 vừa qua do dịch Covid-19 và những nguyên nhân liên quan, nghĩa là cao gần gấp đôi con số 24.031 do chính phủ công bố trước đó.
 |
Người dân từ 57 tuổi trở lên ở thành phố Duque de Caxias của Brazil tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters |
Theo giải thích của các nhà chức trách Nga, sở dĩ có sự khác biệt này là bởi Chính phủ Nga chỉ tính những trường hợp tử vong do nguyên nhân chính là nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi khám nghiệm tử thi, trong khi số liệu do Rosstat công bố lại dựa trên một định nghĩa tổng thể về các trường hợp tử vong liên quan tới loại virus này.
Cũng liên quan tới tình hình đại dịch trên toàn thế giới, theo Tân Hoa xã, nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào cuối tuần này cho thấy, những người không tiêm chủng và trước đó đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 cao hơn gấp 5 lần.
Sau khi tiến hành nghiên cứu đối với hơn 7.000 trường hợp sinh sống tại 9 bang của Mỹ phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng giống như Covid-19, CDC Mỹ kết luận những người chưa được tiêm vaccine hoặc từng nhiễm Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 5 lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ và chưa từng mắc bệnh này. "Như vậy, giờ đây chúng ta đã có thêm bằng chứng tái khẳng định tầm quan trọng của vaccine ngừa Covid-19, ngay cả đối với những người từng mắc căn bệnh này", Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều quốc gia vẫn đang phải “quay cuồng” với bài toán vaccine nhằm dần đẩy lùi đại dịch. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào cuối năm 2021, song cho đến nay có tới 82 quốc gia, đặc biệt là quốc gia ở châu Phi, có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.
Ngoài ra, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khu vực châu Phi nhiều khả năng cũng sẽ thiếu hụt khoảng 2,2 tỷ ống tiêm dùng một lần, trong đó có loại ống tiêm tự hủy sử dụng cho tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Và nếu tình hình không được cải thiện, dự kiến sẽ chỉ có 5 quốc gia châu Phi, tương đương 10% dân số của “lục địa đen”, đạt được mục tiêu tiêm chủng mà WHO đề ra.
Trong cuộc họp diễn ra mới đây, các bộ trưởng tài chính và y tế của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn hy vọng trong vòng 8 tháng tới, 70% dân số thế giới sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thông cáo được nêu ra sau cuộc họp nêu rõ: "Để giúp tiến tới các mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022... chúng tôi sẽ thực hiện các bước để giúp tăng nguồn cung vaccine và những sản phẩm y tế thiết yếu, các yếu tố đầu vào ở những nước đang phát triển và gỡ bỏ các ràng buộc về nguồn cung và tài chính liên quan".
ANH VŨ