(Ghi nhanh của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)
QĐND - “Vẽ lại bản đồ” từ Băng-đung
Nằm cách thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a khoảng hơn 150 cây số về phía đông nam, Băng-đung (Bangdung) là thành phố lớn thứ ba của In-đô-nê-xi-a và là thủ phủ của tỉnh Tây Gia-va. Thành phố này có lẽ cũng hài lòng chấp nhận vị thế của một đô thị bình lặng ở đất nước Vạn Đảo, với những di tích của thời thực dân Hà Lan để lại thu hút khách du lịch quốc tế, nếu không có một sự kiện diễn ra ở đây đúng 60 năm trước đây, đưa tên Băng-đung vào lịch sử.
Đó là Hội nghị Á-Phi lần thứ nhất, thường được biết đến dưới tên gọi: Hội nghị Băng-đung.
Xuất phát từ ý tưởng của Tổng thống In-đô-nê-xi-a khi ấy là Xu-các-nô và được lãnh đạo của 4 nước Ấn Độ, Miến Điện (Mi-an-ma hiện nay), Pa-ki-xtan, Xây-lan (Xri Lan-ca hiện nay) ủng hộ, Hội nghị Á-Phi lần thứ nhất diễn ra từ ngày 18 đến 24-4-1955, với sự tham gia của đại biểu đến từ 29 nước (23 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, 6 nước châu Phi). Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã có một hội nghị quốc tế của những người da màu!
Trong 6 ngày hội nghị diễn ra tại Cung Độc Lập ở thành phố Băng-đung, các đại biểu đã thảo luận những biện pháp nhằm tăng cường sự hợp tác Á-Phi, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân, duy trì hòa bình khu vực cũng như thế giới. Thành tựu lớn nhất của hội nghị này chính là việc các đại biểu đã nhất trí thông qua 10 nguyên tắc, được gọi là những Nguyên tắc Băng-đung. Những nguyên tắc này đặt nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế trong những thập niên tiếp theo, trong đó đặc biệt là sự ra đời và lớn mạnh của Phong trào Không liên kết 6 năm sau đó.
Chính những Nguyên tắc Băng-đung này đã khẳng định nguyện vọng đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, cùng chung sống hòa bình giữa các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau. Di sản mà Hội nghị Băng-đung để lại chính là cảm hứng về chủ nghĩa đa phương hóa toàn cầu được nảy nở và phát triển, đồng thời đã đặt cơ sở chỉ đạo cho các mối quan hệ quốc tế rộng khắp.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự Hội nghị Băng-đung 1955 với tư thế đại diện cho một dân tộc vừa giành chiến thắng chấn động địa cầu ở Điện Biên Phủ, xóa bỏ ách thống chị của chủ nghĩa thực dân trên nửa nước Việt Nam. Từ ngày ấy, tiếng nói của nhân dân Việt Nam đã là biểu tượng cho khát vọng độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân cả cũ và mới. Kể từ Hội nghị Băng-đung, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã nở rộ và phát triển mạnh mẽ ở cả hai lục địa Á-Phi, với hàng loạt quốc gia độc lập ra đời như: An-giê-ri, Nam Phi, Ăng-gô-la, Dim-ba-buê và nhiều quốc gia khác nữa. Các nước Á-Phi đã giành lấy quyền phán quyết về các vấn đề quốc tế chứ không nhường cho các “ông chủ” thực dân nữa...
Nói cách khác, Hội nghị Băng-đung 1955 đã thay đổi thế giới, là một thành tố để thúc đẩy nhiều dân tộc bị áp bức vùng lên “vẽ lại” bản đồ thế giới với màu sắc chủ đạo mang tên: Độc lập!
Thông điệp từ Việt Nam
60 năm sau.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung cùng đại biểu các nước. |
Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu dự Hội nghị cấp cao Á-Phi, Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung và 10 năm thiết lập “Đối tác chiến lược Á-Phi mới” tới Gia-các-ta trong cái nắng nóng gay gắt của mùa hè xích đạo In-đô-nê-xi-a. Thủ đô Gia-các-ta gồng mình giảm bớt nạn tắc đường để tạo điều kiện cho bạn bè quốc tế tham dự hội nghị. Nước chủ nhà đã bỏ ra 200 tỷ rupiah, tương đương với khoảng 17 triệu USD, để làm công tác tổ chức hội nghị và các sự kiện có liên quan, cho thấy In-đô-nê-xi-a coi trọng như thế nào các giá trị mà Hội nghị Băng-đung đã xác lập từ 60 năm trước.
Sau 60 năm, thế giới không còn các thuộc địa, chủ nghĩa thực dân đã cáo chung, thế nhưng những vấn đề gay gắt vẫn còn đó, đặt thế giới và hai lục địa Á-Phi trước nhiều thách thức.
Xu hướng chính trị cường quyền, tính bất ổn cả ở khu vực và trên thế giới có dấu hiệu gia tăng; cạnh tranh giữa các cường quốc đang ngày càng trở nên gay gắt. Khu vực Trung Đông và châu Phi tiếp tục là điểm nóng với hàng loạt cuộc xung đột lan rộng. Các vụ khủng bố cực đoan diễn ra tại nhiều nơi. Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng U-crai-na đang nhen nhóm những mầm mống của một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới giữa Nga với phương Tây. Tại châu Á, dù hòa bình và hợp tác là xu thế chủ đạo, thế nhưng những thách thức vẫn còn tiềm ẩn đâu đó. Do vậy, nhu cầu hợp tác đa phương giữa các quốc gia, giữa các khu vực nhằm ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu đang ngày càng tăng.
Các nước Á-Phi đều ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực. Tuy nhiên, hợp tác Á-Phi chưa được phát huy hết tiềm năng, chưa đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho các nước Á-Phi.
Các nước Á-Phi, thành viên Phong trào Không liên kết có nhu cầu duy trì, bảo vệ những Nguyên tắc Băng-đung, từ đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, đầu tư, thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa. Châu Phi có nhu cầu tranh thủ đầu tư, viện trợ, công nghệ, trao đổi kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế, góp phần giải quyết nội chiến, đấu tranh chống đói nghèo, bệnh tật; châu Á phát triển kinh tế năng động, quan tâm tới châu Phi như một thị trường mới nhiều tiềm năng, giàu tài nguyên. Cả hai phía đều có thể tranh thủ thế mạnh của nhau, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, mỗi khu vực.
Và chính trên diễn đàn của Hội nghị Á-Phi ở Trung tâm Hội nghị Gia-các-ta, trưa 22-4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã truyền đi thông điệp của Việt Nam: Tăng cường kết nối Á-Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thông điệp này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế tham dự hội nghị, bởi nó hàm chứa hai yếu tố căn bản của thời đại ngày nay để có thể thoát ra khỏi nghèo đói, xung đột, đó là hội nhập và hòa bình. Trong một thế giới mà không một quốc gia nào có thể trở nên phồn thịnh một cách biệt lập được thì kết nối để hội nhập là một nhu cầu tất yếu; và chỉ có tôn trọng luật pháp quốc tế thì mới mở ra khả năng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không chiến tranh, bảo đảm ổn định để phát triển. Tại Diễn đàn Hội nghị Á-Phi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt nhân dân Việt Nam để nói lên khát vọng của thời đại!
Những giá trị vẫn được tiếp nối
 |
Phóng viên quốc tế phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị cấp cao Á-Phi |
Trong một thế giới bất ổn hiện nay, nhìn lại Hội nghị Băng-đung 1955, vẫn có thể kinh ngạc trước cái nhìn thấu thị vượt thời gian của những đại biểu đại diện cho các quốc gia Á-Phi từ 60 năm trước, những người đã nhất trí đưa vào những Nguyên tắc Băng-đung hai nguyên tắc thứ bảy và thứ tám: Không có hành động xâm lược hoặc đe dọa xâm lược hoặc sử dụng vũ lực đe dọa toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào; Giải quyết tất cả các cuộc xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình như đàm phán, hòa giải, phân xử hoặc giải quyết bằng pháp luật cũng như các biện pháp hòa bình khác do các bên lựa chọn, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.
Những nguyên tắc này đã và vẫn tiếp tục phải là nền tảng cho những quan hệ trong đời sống quốc tế của ngày hôm nay. 60 năm trước, những lời kêu gọi giành tự do và bình đẳng đã vang lên ở Băng-đung. Ngọn đuốc của phong trào giải phóng dân tộc, xóa bỏ ách thống trị của thực dân đã được thắp lên ở Băng-đung ngày ấy, giờ đây vẫn được truyền tay nhau trong cuộc trường chinh để tìm đến hòa bình, thịnh vượng.
60 năm trước, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-các-nô đã dẫn đầu đoàn diễu hành mà sau này được sử sách ghi lại như là “Cuộc đi bộ Băng-đung”, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị nổi bật như: Tổng thống Ai Cập G.Nát-xe, Thủ tướng Ấn Độ G.Nê-ru, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Năm 2015 này, ở Băng-đung, các nhà lãnh đạo Á-Phi sẽ tái hiện lại chuyến đi 60 năm trước bằng cuộc diễu hành lịch sử, đi bộ từ Khách sạn Savoy Homann, qua Bảo tàng Á-Phi tới Cung Độc Lập, nơi đã diễn ra Hội nghị Á-Phi lần thứ nhất. Như một biểu tượng, cuộc diễu hành cho thấy những giá trị của quá khứ vẫn được tiếp nối không ngừng nghỉ trong thời đại ngày nay.
60 năm qua, vẫn sáng mãi tinh thần Băng-đung!
Bài và ảnh: VĂN YÊN (từ Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a)
Phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao Á-Phi
Khai mạc Hội nghị Cấp cao Á-Phi 2015
Cần “Tăng cường kết nối Á-Phi vì hòa bình, thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”
Khai mạc Hội nghị các nhà lãnh đạo Á-Phi tại Gia-các-ta