QĐND - Quan niệm của ASEAN về an ninh là quan niệm “an ninh toàn diện”, theo đó an ninh bao gồm các khía cạnh an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa-xã hội. Quan niệm này của ASEAN được phản ánh rõ trong nhiều văn kiện cơ bản như Tuyên bố Ba-li II về xây dựng các cộng đồng, đặc biệt Cộng đồng Chính trị-An ninh và Hiến chương ASEAN.

Tuyên bố Ba-li II ghi rõ: “Thừa nhận quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại và các thỏa thuận quốc phòng riêng của mình và có tính đến sự liên hệ mật thiết giữa thực tiễn chính trị, kinh tế và xã hội, Cộng đồng An ninh ASEAN tuân theo nguyên tắc an ninh toàn diện bao gồm các khía cạnh chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2020 chứ không tiến tới thành lập một hiệp ước quốc phòng, một liên minh quân sự hay một chính sách đối ngoại chung”.

Hiến chương ASEAN ghi nhận mục tiêu: “Đối phó hữu hiệu với tất cả các mối đe dọa, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới, phù hợp với nguyên tắc an ninh toàn diện”.

Cách tiếp cận an ninh toàn diện của ASEAN xuất phát từ thực tế các thách thức an ninh mà ASEAN và các quốc gia thành viên hiện nay đang phải đối mặt cũng rất toàn diện, bao gồm cả những thách thức an ninh truyền thống lẫn thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức an ninh truyền thống bao gồm những vấn đề như: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biên giới đất liền, tranh chấp biển, đảo giữa các nước thành viên với nhau và với các quốc gia ngoài khu vực. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng xuất hiện ngày càng nhiều và tác động trực tiếp tới an ninh chung của khu vực như: An ninh kinh tế, an ninh năng lượng, các vấn đề môi trường, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh con người, khủng bố, an ninh biển.

Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN tuân theo cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh, thừa nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường của sự phát triển. Cộng đồng này thúc đẩy từ bỏ xâm lược, không đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc những hành động khác không phù hợp với luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ở góc độ này, Cộng đồng Chính trị-An ninh đề cao các công cụ chính trị của ASEAN như: Tuyên bố về Khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do và trung lập; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á; Hiệp ước vì một Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Những công cụ này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và tiếp cận hòa bình giải quyết xung đột. Cộng đồng cũng ưu tiên cao mục tiêu ứng phó và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.

ANH VŨ