QĐND - Tôi rất vui mừng vì chúng ta đã thành công trong việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Thực tế, từ năm 2006, khi Hội đồng Nhân quyền được thành lập, rất nhiều nước đã muốn tham gia. Sau quá trình đối thoại, thỏa hiệp, các nước thấy rằng Việt Nam là ứng cử viên sáng giá có thể đảm nhiệm vị trí này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông. Ảnh: CT

Sâu xa hơn, đây là kết quả của cả quá trình lâu dài, chúng ta thậm chí đã phải hy sinh cả xương máu để có được thành tựu ấy. Ít nhất, trong hàng trăm năm gần đây, chúng ta đã đấu tranh, hy sinh xương máu để có được tự do. Việc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ hòa bình, bảo vệ quyền được sống trong độc lập, tự do của nhân dân, tôi nghĩ đó là quyền cơ bản nhất của con người. Việc các nước bỏ phiếu cho ta với tỷ lệ ủng hộ cao nhất là sự ghi nhận những đóng góp của Việt Nam cho quá trình phát triển, cũng như bước tiến của Việt Nam về quyền con người.

Cũng phải nói thêm rằng, trước đó, chúng ta đã rất kịp thời tham gia Công ước quốc tế Chống tra tấn của LHQ, mở rộng thêm cam kết của Việt Nam trong việc thực thi quyền con người.

Đây mặc dù là thắng lợi, là bước tiến quan trọng, nhưng khi ta đã là thành viên, thì ta cũng phải có trách nhiệm cao hơn. Tôi không nghĩ là người Việt Nam mình lại ngại trách nhiệm.

Khi đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cần thực sự có những đóng góp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy quyền con người, trước hết là tại Việt Nam. Đây cũng là một bước ta phấn đấu, tham gia cùng các nước trong quá trình bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định, Việt Nam phải phấn đấu để trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền chính là cơ hội để nước ta thể hiện rằng mình đã có trách nhiệm như thế nào, đóng góp như thế nào.

Tôi nghĩ, nhân quyền không phải của một nhóm nước A hay B nào đó, đó là điều sơ đẳng mang tính chất toàn cầu, tính phổ thông trên thế giới. Mọi nước đều phải tham gia để thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Mặt khác, trong thời gian qua, có rất nhiều thế lực lợi dụng vấn đề nhân quyền để hạ uy tín, bôi nhọ, xuyên tạc Việt Nam. Thắng lợi này của ta là một đòn rất mạnh đối với những người đó. Đây là câu trả lời rõ ràng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam được thế giới công nhận và ý kiến của họ chỉ là thiểu số. Chúng ta được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số, không phải ta mà tất cả các nước.

Thực tế, không một nước nào có hồ sơ về quyền con người hoàn thiện cả, bởi đây là quá trình. Đấu tranh để đóng góp, phát triển quyền con người là một quá trình. Ngay cả những nước được cho là tự do nhất, họ cũng có rất nhiều vấn đề về nhân quyền và cũng bị các nước khác chỉ trích. Nói như thế để thấy rằng, quá trình đấu tranh rất dài và mình phải thực sự có trách nhiệm trong chuyện này, vì sự phát triển của dân tộc mình và đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

MINH THẮNG (lược ghi)
Tin, bài liên quan:
Ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề nhân quyền
Thêm nhiều chính sách, pháp luật nhân văn, vì con người
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu đổi mới của Việt Nam
Minh chứng thuyết phục về thành tựu bảo vệ, thúc đẩy quyền con người