Theo lệnh cấm mới, các nhân viên Chính phủ Pháp sẽ phải xóa tất cả ứng dụng nhắn tin trực tuyến nói trên trước ngày 8-12 khỏi máy tính cá nhân và điện thoại. Lý do cho hành động quyết liệt này được đưa ra là đã phát hiện những lỗ hổng bảo mật trong các ứng dụng nhắn tin này. 

Trong khi đó, với chứng nhận bảo mật cấp 1 của Cơ quan An ninh Hệ thống thông tin quốc gia Pháp (ANSSI), ứng dụng liên lạc Olvid nội địa tỏ ra ưu việt so với các ứng dụng do tính năng mã hóa đầu cuối tin nhắn và khả năng đồng bộ hóa với các thiết bị điện tử. Ứng dụng này cũng bảo đảm quyền riêng tư do không yêu cầu liên kết với số điện thoại cá nhân, không yêu cầu thẻ sim và mã hóa siêu dữ liệu cũng như nội dung tin nhắn của người dùng.

Còn ứng dụng Tchap được phát triển dành riêng cho công chức Pháp từ năm 2019. Nhưng không giống như Olvid, Tchap không có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng phổ biến như AppStore hay Google Play.

leftcenterrightdel
 Nguồn: NBC News

Đây là lần thứ hai trong năm nay Pháp ban hành lệnh cấm đối với các ứng dụng trên thiết bị di động của công chức nước này. Vào tháng 3-2023, cũng như nhiều nước châu Âu khác, Chính phủ Pháp đã cấm dùng TikTok và các ứng dụng giải trí tương tự trên điện thoại của nhân viên chính phủ do những rủi ro bảo mật. Cùng với đó, Twitter, Instagram, các nền tảng phát video trực tuyến Netflix, trò chơi Candy Crush và các ứng dụng hẹn hò cũng chịu chung số phận. Quốc hội Pháp cũng kêu gọi các nghị sĩ “hạn chế” sử dụng TikTok do lo ngại về bảo mật dữ liệu. Còn các nhà lập pháp cũng được khuyến khích cắt giảm việc sử dụng Instagram, Snapchat, WhatsApp, Telegram và Signal.  

WhatsApp trong mấy năm gần đây bị nhiều quốc gia nghi ngại bởi trong khi cung cấp tính năng nhắn tin được mã hóa nhưng cũng sẵn sàng giao dữ liệu của người dùng cho Chính phủ Mỹ dù không hề nghi ngờ người dùng phạm tội. Ứng dụng này cũng có một lỗ hổng bảo mật có thể khiến phần mềm gián điệp được cài đặt trên điện thoại của người dùng nếu họ nhấp vào một liên kết và vô tình biến điện thoại của mình thành thiết bị giám sát. Theo RT, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng phải đổi số điện thoại vào năm 2021 sau khi có thông tin cho biết ông và 14 bộ trưởng nội các đã trở thành mục tiêu giám sát khi điện thoại bị dính phần mềm gián điệp Pegasus.

WhatsApp từng được Kaspersky thống kê có số lượng liên kết độc hại lớn nhất, một phần do đây là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên toàn cầu. Liên kết độc hại được ghi nhận ở ứng dụng Telegram có số lượng ít nhất nhưng có sự phân bổ địa lý tương đương với WhatsApp.

Tuy nhiên, phía sau lý do bảo đảm an ninh mạng mà Chính phủ Pháp đưa ra, giới phân tích cho rằng còn có nguyên nhân khác khiến 3 ứng dụng nhắn tin WhatsApp, Telegram và Signal bị tẩy chay. Ứng dụng nhắn tin mã hóa Olvid của Pháp gần đây được quảng bá bởi sự riêng tư và an toàn hơn so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Theo trang BleepingComputer, đây không chỉ đơn thuần là lệnh cấm sử dụng các ứng dụng tin nhắn nước ngoài mà còn là khuyến nghị chuyển sang phần mềm được phát triển trong nước. 

Ông Meredith Whittaker, Chủ tịch của Signal đã lên tiếng phản đối những tuyên bố ông cho là “mơ hồ, vô căn cứ và gây hiểu lầm” về các lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng nhắn tin này. Lập luận nữa được đưa ra là, sự khác biệt duy nhất của Olvid so với các đối thủ khác là ở chỗ ứng dụng này có “chứng nhận bảo mật cấp 1” của ANSSI, đồng nghĩa với việc ứng dụng được trải qua kiểm tra kỹ lưỡng mã nguồn.

Tuy nhiên, lý do chính xác đằng sau đề xuất sử dụng Olvid của Chính phủ Pháp vẫn chưa được đề cập. Theo nhà báo Pháp Emile Marzolf, chỉ thị mới về cấm sử dụng 3 ứng dụng nước ngoài và đề xuất sử dụng ứng dụng trong nước, không phải nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người. Trong đó, Cơ quan Kỹ thuật số của Pháp cho rằng việc quảng cáo cho Olvid là “quá đáng” và cho biết Signal là một nền tảng có thể chấp nhận được với họ. 

MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.