Bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới dựa trên khảo sát đánh giá của chính người dân về mức độ hạnh phúc của họ, cũng như dựa trên các dữ liệu kinh tế-xã hội ở từng quốc gia. Điểm số hạnh phúc được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 10, dựa trên dữ liệu trung bình trong 3 năm, với 4 tiêu chí chính: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng.
Theo bảng xếp hạng này, Bulgaria, Romania và Serbia ghi nhận những mức tăng lớn nhất về phúc lợi. Các quốc gia đứng cuối bảng là Lebanon, Venezuela và Afghanistan.
Các nước khu vực Bắc Âu một lần nữa thống trị những vị trí đầu bảng-với lần lượt là Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ và Hà Lan đứng ở vị trí thứ 2, 3, 4 và 5. Mỹ tăng 3 bậc lên vị trí thứ 16, trước Anh một bậc. Pháp được xếp thứ 20-thứ hạng cao nhất của quốc gia này từ trước đến nay.
 |
Người Phần Lan sống hòa mình với thiên nhiên và luôn đề cao ý thức bảo vệ thiên nhiên. Ảnh: santalahti.fi |
Điểm khác biệt là năm nay, báo cáo còn sử dụng dữ liệu từ mạng xã hội để so sánh cảm xúc của con người trước và sau đại dịch Covid-19. Những người thực hiện báo cáo đã nhận thấy “sự lo lắng và buồn bã gia tăng mạnh mẽ” ở 18 quốc gia.
Theo Jeffrey Sachs, đồng tác giả báo cáo thì những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ hạnh phúc trong năm qua chính là “sự hỗ trợ của xã hội, sự hào phóng mà con người dành cho nhau, cùng với sự trung thực của chính phủ”.
Đất nước Phần Lan với tỷ lệ rừng bao phủ đến 75% diện tích, có những khu rừng và hồ rộng lớn, ý thức giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên của người dân luôn được đề cao, các dịch vụ công hoạt động hiệu quả, mức độ tin tưởng vào chính quyền cao, tỷ lệ tội phạm và bất bình đẳng thấp... Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Phần Lan, một hệ thống giáo dục ưu việt, phúc lợi xã hội được thúc đẩy mạnh mẽ... là bí quyết thành công của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với giới truyền thông nước ngoài, nữ Thủ tướng Sanna Marin-người đã trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới ở tuổi 34 vào năm 2019-cho biết, Phần Lan cam kết duy trì trạng thái phúc lợi hào phóng của mình trong một “môi trường bền vững”, đồng thời coi sự phát triển và xuất khẩu công nghệ xanh là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai.
Một trong những thành công của Phần Lan không thể không nhắc tới chính sách Housing First (Nhà ở đầu tiên). Hơn một thập kỷ qua, kể từ năm 2008 khi bắt đầu được triển khai, chính sách này đã giúp Phần Lan trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có tỷ lệ vô gia cư giảm xuống mức thấp trong những năm gần đây. Nếu vào thập niên 1980, Phần Lan có khoảng 20.000 người vô gia cư thì đến năm 2015, con số này chỉ còn gần 7.000. Tới năm 2021, con số này đã giảm xuống còn hơn 4.300 người.
Chính sách nhà ở đầu tiên của Phần Lan đã trở thành mô hình thành công khiến nhiều nước châu Âu phải tham khảo và học hỏi. Ý tưởng thực hiện chính sách này khá đơn giản: Với người vô gia cư, cái họ cần đầu tiên là nhà ở-một nơi cư trú ổn định.
Ý tưởng này bắt nguồn từ niềm tin rằng những người vô gia cư cần một ngôi nhà, các vấn đề khác đều có thể được giải quyết khi họ đã có nhà ở ổn định.
Tất nhiên, đi kèm với chính sách nhà ở đầu tiên là hàng loạt chính sách phúc lợi xã hội khác. Thị trưởng Helsinki Jan Vapaavuori cho biết: “Nhiều người vô gia cư lâu năm là người nghiện, có các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất, cần được chăm sóc y tế thường xuyên”.
Chính vì vậy, chính quyền thủ đô Helsinki-nơi chiếm đến 60% số người vô gia cư của cả nước-đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm cung cấp nền tảng giáo dục-đào tạo nghề, tổ chức các hoạt động vui chơi, thăm hỏi, đào tạo lại các kỹ năng sống cơ bản như dọn dẹp, nấu ăn... cho người vô gia cư. Kết quả của việc kết hợp các chính sách này là nhiều người vô gia cư đã được đào tạo nghề và có một công việc ổn định, tái hòa nhập thành công với cộng đồng.
HÀ PHƯƠNG