Theo Reuters, trong một bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống tái đắc cử nhiệm kỳ hai Macron đã khẳng định sự cần thiết phải đổi mới vào thời điểm nhiều thách thức chưa từng có đối với thế giới và đối với nước Pháp. Ông đồng thời nhấn mạnh, nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ là "mới" chứ không chỉ đơn thuần là sự tiếp nối của nhiệm kỳ đầu tiên.

Ở một đất nước mà các tổng thống hiếm khi tái đắc cử, ông Macron trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai trong vòng 20 năm qua. Vì vậy ông được cho là sẽ có cơ hội để tiếp tục các chương trình nghị sự của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên liên quan tới các vấn đề cả đối nội lẫn đối ngoại, cho dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Ông Macron sẽ có thêm 5 năm để thúc đẩy các cải cách như tăng độ tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 65 và cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhằm hạ tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 14 năm qua. 

Tổng thống Macron tại lễ nhậm chức. Ảnh: Reuters 

Về vấn đề đối nội, ông Macron cam kết sẽ áp dụng phương pháp điều hành đất nước mới. Cụ thể, nhà lãnh đạo Pháp cam kết sẽ đơn giản hóa quy tắc, thủ tục, tạo dựng thêm nhiều công việc và hành động để đưa Pháp trở thành một cường quốc sinh thái với năng suất mới. Tổng thống Pháp đã khép lại bài phát biểu của mình bằng lời thề “phục vụ đất nước” và tất cả người dân Pháp.

Bình luận về bài phát biểu ngắn gọn của ông Macron, chuyên gia chính trị Philip Turle cho biết bài phát biểu tập trung vào việc trình bày “tầm nhìn của nước Pháp, một lời kêu gọi tập hợp để cả đất nước xích lại gần nhau”. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp đã xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa một bên là thành phần trung lưu, có tiền và bên còn lại là tầng lớp lao động, dưới ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng. Chính ông Macron đã thừa nhận điều này trong bài diễn văn chiến thắng hôm 24-4. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông cũng lưu ý các giá trị tự do của Pháp đang bị thách thức.

Ông Philippe Martinez, lãnh đạo Tổng Công đoàn Lao động Pháp (CGT), nhận định tổng thống Macron sẽ không có “tuần trăng mật” mà phải bắt tay ngay vào giải quyết loạt vấn đề. Ông Macron sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong nhiệm kỳ tiếp theo, bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt tăng cao, tiến trình cải cách lương hưu gây tranh cãi, hệ thống y tế chịu áp lực lớn do thiếu hụt nhân viên và cam kết giảm 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Macron không gặp quá nhiều trở ngại khi thực thi chính sách của mình bằng cách ban hành các sắc lệnh. Nhưng giới quan sát cho rằng ông sẽ cần có cách tiếp cận khôn khéo và mang tính hòa giải hơn trong 5 năm nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Macron biết rõ rất nhiều người bỏ phiếu giúp ông tái đắc cử hôm 24-4 không phải vì ủng hộ bản thân ông mà chủ yếu nhằm ngăn lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen lên nắm quyền. 

Một thách thức mà ông Macron sẽ phải đối mặt, đó là lựa chọn thủ tướng mới. Ông Jean-Luc Melenchon của phe cánh tả đã tuyên bố tham vọng trở thành thủ tướng, người có thể ngăn Tổng thống Macron thông qua các luật mà cánh tả không tán thành. Thủ tướng mới sẽ lãnh đạo chính phủ và dẫn dắt đảng của Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6. Trong các cuộc bầu cử quốc hội, ứng viên thuộc đảng của tổng thống đắc cử thường được hưởng lợi, song giới phân tích cho rằng đảng của Tổng thống Macron sẽ khó giành được thế đa số như nhiệm kỳ trước.

Về vấn đề đối ngoại, ông Macron đã cho thấy sự quan tâm đối với cuộc giao tranh đang diễn ra ở Ukraine. Ông tập trung nói về các mục tiêu của Pháp, bao gồm việc đảm nhận trách nhiệm toàn cầu, giải quyết vấn đề an ninh ở Đông Âu, vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu. Cả Pháp và châu Âu sẽ phải cam kết ngăn chặn sự leo thang của xung đột ở Đông Âu, thúc đẩy dân chủ và chống biến đổi khí hậu, ông Macron nhấn mạnh. 

XUÂN PHONG