Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk), mặc dù đã có một số tiến bộ trong đàm phán, song vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được một thỏa thuận nhằm tránh việc Anh rời khỏi EU (Brexit). "Chúng ta đang ở giữa một giai đoạn đàm phán rất khó khăn và nhạy cảm về các đề xuất của Anh. Một điều chắc chắn đây sẽ là cuộc họp chỉ có thành công hay thất bại", ông Tu-xcơ tuyên bố. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) đã đề nghị các nhà lãnh đạo EU có cách tiếp cận "dĩ hòa vi quý" với nước Anh. Ông Ca-mê-rôn nhấn mạnh "câu hỏi về vị trí của nước Anh ở EU đã được đặt ra quá lâu và giờ là lúc phải có câu trả lời". Thủ tướng Anh cũng hy vọng rằng, một thỏa thuận có thể đạt được trong ngày cuối cùng của hội nghị để tạo điều kiện cho ông tiến hành cuộc trưng cầu ý dân ngay trong tháng 6 tới về việc nước Anh sẽ ở lại hay rời khỏi EU.

Các nhà lãnh đạo EU và Anh trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ngày 19-2. Ảnh: AP 


Từ tháng 11-2015, liên quan đến vấn đề "Brexit", ông Ca-mê-rôn đã đưa ra những đòi hỏi cải cách liên quan đến 4 điểm. Thứ nhất, cho phép Anh không bị ràng buộc bởi cam kết hội nhập chính trị trong EU và tăng quyền hạn Quốc hội Anh nhằm phủ quyết các văn bản luật của EU. Thứ hai, công nhận rõ ràng rằng đồng ơ-rô không phải đồng tiền duy nhất của EU và bảo đảm chắc chắn các quốc gia ngoài khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không bị thu tiền hoặc phải tham gia cứu trợ khu vực Eurozone. Thứ ba, giảm gánh nặng quy định của EU đối với thương mại và mở rộng thị trường. Cuối cùng là hạn chế tới 4 năm các khoản phúc lợi ngoài lương tại Anh đối với lao động nhập cư đến từ các nước EU khác và điều chỉnh những khoản phúc lợi trẻ em theo mức sống của nước thành viên, nơi đứa trẻ đã cư trú. Đây là điểm tế nhị nhất vì có thể vi phạm các nguyên tắc cơ bản của EU như "vấn đề tự do đi lại của người lao động" hay "không được phân biệt đối xử"...

Theo một nhà ngoại giao châu Âu, các cuộc thương lượng xung quanh thỏa thuận mới cho Anh diễn ra trong khoảng hai giờ rưỡi, trong đó Thủ tướng Ca-mê-rôn nói với các nhà lãnh đạo EU rằng ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận "không tin cậy" đối với các cử tri ở nhà. Một quan chức Anh thừa nhận, cuộc thương lượng rất cam go và không có nhà lãnh đạo EU nào thay đổi lập trường đưa ra ban đầu. Pháp và các nước khác trong Eurozone không đồng ý với yêu cầu của Anh muốn các nước nằm ngoài Eurozone có quyền can dự vào những cuộc thảo luận về luật mới cho Eurozone. Trong khi đó, các nước Trung và Đông Âu tiếp tục phản đối yêu cầu của Anh hạn chế phúc lợi trẻ em đối với công dân EU nhập cư mà theo đó, những công dân EU làm việc ở Anh trong 4 năm đầu sẽ không được nhận phúc lợi trẻ em để gửi về cho con cái của họ ở quê nhà. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều nước thành viên đối với đòi hỏi được miễn trừ thực hiện điều khoản hội nhập chính trị hơn nữa trong EU.

Các cuộc thảo luận riêng trước đó giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Anh cũng bộc lộ những bất đồng sâu sắc, đặc biệt là việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu làm việc tại Anh. Thủ tướng Bỉ Sác-lơ Mi-sen (Charles Michel) cho biết việc đạt được thỏa thuận giữ Anh ở lại trong EU là điều rất quan trọng, song thỏa thuận này không phải là cái giá để phá vỡ dự án châu Âu. Thủ tướng Sác-lơ Mi-sen nhấn mạnh ông muốn làm tất cả để giữ Anh ở lại EU nhưng cũng sẽ bảo vệ niềm tin châu Âu, giá trị châu Âu, đồng thời kêu gọi không để câu chuyện này kéo dài và rằng chính người Anh sẽ phải lựa chọn. Người đứng đầu Chính phủ Bỉ cho biết các cuộc tiếp xúc song phương đã đưa vấn đề đi đúng hướng. Tuy nhiên, thỏa thuận không được làm châu Âu suy yếu mà cần phải tăng cường Eurozone. Thủ tướng Sác-lơ Mi-sen cũng cho rằng không thể chấp nhận các quốc gia ngoài Eurozone áp dụng chiến lược chống lại Eurozone. Theo ông Mi-sen, một thỏa thuận hoàn toàn có thể đạt được, vấn đề chỉ ở chỗ 2 bên có khả năng xích lại gần nhau với điều kiện mỗi bên đều có ý thức trách nhiệm hay không. Cùng quan điểm với Thủ tướng Bỉ, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) cho rằng thỏa thuận có thể đạt được, Anh phải ở lại EU vì điều này cần thiết, nhưng không một quốc gia nào có quyền phủ quyết hoặc lấy đi các quy định của châu Âu.

Nhiều nhà phân tích lo ngại nếu hội nghị này thất bại thì Anh có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU. Thủ tướng Anh dự định tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23-6, nhưng ông có quyền dời ngày trưng cầu sang bất cứ thời điểm nào trước cuối năm 2017. Vì vậy ông vẫn còn cơ hội để đạt được thỏa thuận này tại một hội nghị EU bổ sung dự kiến tổ chức vào cuối tháng 2, hoặc tại hội nghị thượng đỉnh EU trong tháng 3. Tuy nhiên, nếu may mắn đạt được thỏa thuận trong ngày họp thứ hai của hội nghị, ông Ca-mê-rôn sẽ nhanh chóng trở lại Anh và tổ chức cuộc họp nội các khẩn nhằm thống nhất lập trường "ở lại EU".

HÀ LAN