Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực từ ngày 19-1 đã giúp một số người dân Gaza có thể trở về ngôi nhà bị phá hủy của họ mà không sợ các cuộc không kích của Israel. Tuy nhiên giờ đây, họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng.
Nước để uống, nấu ăn và giặt giũ là điều xa xỉ ở Gaza sau nhiều tháng xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Một nông dân 50 tuổi, tên là Bassel Rajab, cư dân của thị trấn Beit Lahiya ở phía Bắc Gaza cho biết: “Chúng tôi trở về đây và không tìm thấy máy bơm. Chúng tôi dựng lều để trú ẩn nhưng không có nước. Chúng tôi đang phải chịu đựng”.
 |
Người dân ở Gaza phải đi bộ xa để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Reuters |
Ông Rajab nói rằng đôi khi ông đi bộ 16km với hy vọng được tắm ở thành phố Gaza. Về phần mình, ông Mohammed Nassar, 47 tuổi, chủ một siêu thị cho biết ông phải đi bộ vài cây số để lấy đầy xô nước mặc dù ông có vấn đề về sức khỏe và tổn thương sụn. “Chúng tôi nhắm mắt vượt qua nỗi đau vì chúng tôi phải làm vậy”, ông Nassar chia sẻ. Trong khi đó, cậu bé Mohammed Al-Khatib, 12 tuổi, than thở rằng em phải kéo xe đẩy 3-4km để lấy nước. Một số người Palestine đã đào giếng ở những khu vực gần biển hoặc dựa vào nước máy mặn từ tầng chứa nước ngầm duy nhất của Gaza vốn bị ô nhiễm bởi nước thải.
Người Palestine phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng cũng như tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trong xung đột. Cơ quan quản lý nước Palestine cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng 208 trong số 306 giếng đã ngừng hoạt động trong xung đột và 39 giếng khác ngừng hoạt động một phần. Cơ quan này ước tính sẽ tốn 2,7 tỷ USD để sửa chữa các khu vực cấp nước và vệ sinh. Thị trưởng Beit Lahiya Alaa Al-Attar cho biết, các công ty nhỏ đang cố gắng sửa chữa các giếng nhưng có rất ít thiết bị. “Chúng tôi cũng đang cố gắng xây dựng các giếng mới để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nước ở giai đoạn này”, Thị trưởng Al-Attar nhấn mạnh.
LÂM NGUYỄN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Ngày 17-2, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã nhắc lại lập trường của nước này, kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng bức di dời người Palestine khỏi vùng đất lịch sử của họ, một quan điểm được thế giới Arab và cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Anh Nasser Mohammed, 33 tuổi, cuối cùng cũng nằm trên giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa El Arish ở tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập để điều trị khối u não sau nhiều tháng tuyệt vọng và chịu nhiều đau đớn ở dải Gaza.