Tân Hoa xã đưa tin, ngày 1-11, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã cáo buộc Israel “từ chối” những nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn khi quân đội Israel tiếp tục không kích vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut và các khu vực khác ở Lebanon. Trong cuộc gặp với ông Aroldo Lazaro Saenz, người đứng đầu Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Lebanon, ông Mikati nhấn mạnh, việc Israel tiếp tục mở rộng phạm vi tấn công và liên tục đe dọa khiến người dân phải sơ tán khỏi thành phố và làng mạc là tất cả dấu hiệu cho thấy Israel “từ chối” mọi nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
 |
Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel vào vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, Lebanon (ngày 1-11-2024). Ảnh: AP |
Theo Hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA), quân đội Israel đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào nhiều khu vực ở vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut vào rạng sáng 1-11, gây ra sự tàn phá lớn tại các khu vực này với hàng chục tòa nhà bị san phẳng. Quân đội Israel cũng đã tiếp tục không kích dữ dội vào thành phố Baalbek, phía Đông Lebanon vào trưa cùng ngày. Các cuộc không kích được thực hiện một ngày sau khi các quan chức Mỹ có chuyến thăm Israel và gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về giải pháp chấm dứt giao tranh tại Lebanon.
Sau khi bắt đầu chiến dịch tấn công Hamas ở dải Gaza hồi tháng 10-2023, Israel cũng tiến hành các cuộc giao tranh với lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Kể từ ngày 23-9 năm nay, quân đội Israel đã tiến hành chiến dịch không kích dữ dội chưa từng có vào Lebanon trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Hezbollah. Theo số liệu từ Bộ Y tế Lebanon, kể từ tháng 10-2023 cho đến nay, các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah đã khiến 2.867 người thiệt mạng và 13.047 người bị thương.
Khi tấn công dữ dội vào Lebanon, Israel cũng liên tục phát các lệnh sơ tán đối với cư dân tại nhiều khu vực, đặc biệt là phía Nam và phía Đông. Theo thông báo của quân đội Israel, việc sơ tán nhằm phục vụ cho hoạt động quân sự nhắm vào cơ sở hạ tầng và vũ khí của Hezbollah tại các khu vực nêu trên. Các lệnh sơ tán này đã dẫn đến việc hàng trăm nghìn người dân Lebanon phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong khu vực. Theo số liệu của Liên hợp quốc và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria, hơn 460.000 người đã sơ tán khỏi Lebanon đến quốc gia láng giềng Syria, trong khi 25.000 người đến Iraq. Hơn 840.000 người khác phải di dời trong nước. Trong khi đó, việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe đã trở thành một thách thức lớn đối với người dân ở Lebanon. Hệ thống y tế của Lebanon vốn đã suy yếu sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế, hiện đang bên bờ vực sụp đổ sau hàng loạt cuộc không kích của Israel.
Chính phủ Lebanon cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ người dân, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép ngoại giao buộc Israel ngừng các cuộc không kích vào nước này. Trong bối cảnh xung đột Israel-Hezbollah leo thang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Lebanon, Mỹ đang tích cực trao đổi với cả Israel và Lebanon nhằm tìm kiếm giải pháp giúp chấm dứt xung đột.
DƯƠNG NGUYỄN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.