Bán con để nuôi gia đình

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh chính phủ và phiến quân Taliban đã buộc anh Mohammad Khan ở tỉnh Sar-e Pul, miền bắc Afghanistan phải đưa gia đình chạy nạn tới tỉnh Balkh vào năm ngoái. Tình cảnh của gia đình Mohammad Khan trở nên bi đát khi vợ lâm bệnh nặng, bản thân anh không tìm được việc làm và phải chật vật chạy ăn từng bữa cho 7 đứa con. Không còn sự lựa chọn nào khác, vào tháng 1 vừa qua, Mohammad Khan buộc phải bán đứa con trai út mới 40 ngày tuổi cho một người hàng xóm để lấy một khoản tiền mà theo như lời anh là có thể “giúp những đứa con còn lại không bị chết đói”.

Theo báo cáo cập nhật của Liên hợp quốc, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 927 trẻ em Afghanistan trong năm 2018. Đây là con số cao kỷ lục được ghi nhận trong nhiều năm qua tại quốc gia Nam Á này. Reuters dẫn lời các nhân viên cứu trợ quốc tế cho biết, số trẻ em Afghanistan rơi vào cảnh mồ côi hoặc bắt buộc phải trở thành lao động chính trong gia đình ngày càng gia tăng. Aschiana-một tổ chức từ thiện chuyên mở các lớp học miễn phí cho những trẻ em ăn xin hay bán hàng rong trên đường phố thủ đô Kabul, cho biết trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh nguy hiểm khi Taliban giành quyền kiểm soát thêm nhiều khu vực tại Afghanistan. Trong khi đó, do nguồn tài trợ giảm nên theo Giám đốc Engineer Mohammad Yousef, Aschiana đang buộc phải thu hẹp số lượng những trẻ em Afghanistan mà tổ chức này muốn giúp đỡ.

Các trẻ em gái Afghanistan tại một lớp học ở thủ đô Kabul do Aschiana tổ chức. Ảnh: Reuters.

Reuters cho biết, hằng ngày, cậu bé Zabiullah Mujahed, 12 tuổi, lại dành một buổi để đến lớp học vẽ do Aschiana tổ chức với mong muốn trở thành họa sĩ trong tương lai. Nửa ngày còn lại, cậu bé phải đi đánh giày trên khắp đường phố ở thủ đô Kabul để kiếm tiền nuôi 6 đứa em. Zabiullah Mujahed bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình sau khi bố em bị thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết của phiến quân Taliban cách đây 4 năm. “Em không biết khi nào sẽ có hòa bình và tương lai mình sẽ ra sao. Nếu em không làm việc, gia đình em sẽ chết đói”, Zabiullah Mujahed chia sẻ với Reuters.

Chặng đường dài phía trước

Dưới thời cai trị của Taliban, các trẻ em gái Afghanistan từng không được đến trường. Vì vậy, tạo điều kiện học tập cho đối tượng này chính là mục tiêu then chốt của Chính phủ Afghanistan trong những năm qua. Tuy nhiên, Reuters dẫn báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, vẫn còn khoảng 3,7 triệu trẻ em Afghanistan trong độ tuổi đến trường không được học hành.

Theo bà Adele Khodr, Trưởng đại diện UNICEF tại Afghanistan, tình hình an ninh bất ổn, đói nghèo, làn sóng di cư chính là nguyên nhân khiến việc học hành của trẻ em Afghanistan ngày càng gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Trong khi đó, ông Yasin Mohammadi, Giám đốc dự án của Tổ chức Phát triển và Sức khỏe Thanh thiếu niên (YHDO)-một tổ chức phi chính phủ tại Afghanistan, cho biết tình trạng xâm hại và buôn bán trẻ em tại quốc gia Nam Á này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thực tế này cũng được chính ông Najib Akhlaqi, người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề về trẻ em của Chính phủ Afghanistan thừa nhận. Theo ông Najib Akhlaqi, mặc dù tiến triển còn chậm nhưng các giải pháp cũng đang bắt đầu được triển khai và vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. “Chúng tôi chưa thể giải quyết tất cả mọi vấn đề này. Cần phải có thời gian”, Reuters dẫn lời ông Najib Akhlaqi.

Hòa bình ló rạng?

Các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan đã được đẩy mạnh trong năm 2018, sau khi Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên người gốc Afghanistan Zalmay Khalilzad đứng đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban. Mới đây nhất, các đại diện đàm phán của Mỹ và Taliban đã kết thúc vòng đàm phán tiếp theo về tiến trình hòa bình tại Afghanistan sau 16 ngày họp liên tiếp tại Doha (Qatar). Mặc dù tuyên bố vòng đàm phán đã đạt “tiến bộ thực sự”, song đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad nhấn mạnh, “không có thỏa thuận cuối cùng cho đến khi tất cả các vấn đề được xem là mang đến hòa bình tại Afghanistan được nhất trí”. Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan mong muốn có được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện lâu dài với Taliban, đồng thời hy vọng “các cuộc đàm phán trực tiếp giữa nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan và Taliban sẽ sớm bắt đầu”. 

Theo Reuters, một viễn cảnh hòa bình cho Afghanistan là điều vốn được mong chờ bấy lâu nay, song các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban nói trên cũng khiến không ít người lo lắng. Giám đốc tổ chức Aschiana Engineer Mohammad Yousef cho rằng, trẻ em Afghanistan sẽ gặp thêm nguy hiểm trong một xã hội mà Taliban ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng. “Hòa bình rất quan trọng với trẻ em. Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm hòa bình thật sự”, ông Engineer Mohammad Yousef khẳng định. Trong khi đó, Reuters dẫn lời bà Pashtana Rasol, Giám đốc điều hành Trại trẻ mồ côi mang tên “Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Afghanistan” nhận định “tình hình sẽ tệ hơn hiện nay vì trước kia Taliban vốn không bao giờ quan tâm tới trẻ em, tới người dân”.

HOÀNG VŨ