Nhưng việc có đạt được thoả thuận hay không dường như lại trở thành vấn đề ít được quan tâm hơn so với việc thỏa thuận này nếu đạt được sẽ mang lại điều gì cho Washington hay lại “lợi bất cập hại”?
Theo các nguồn tin, một trong những vấn đề gây tranh cãi và cũng khó thỏa hiệp nhất là Washington phải đưa Lực lượng vệ binh cách mạng hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách khủng bố. Đồng minh Israel của Washington đã sớm bày tỏ sự không hài lòng khi cho biết vẫn có quyết tâm ký thỏa thuận hạt nhân với Iran bằng mọi giá, bao gồm cả việc nói rằng, tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới không phải là tổ chức khủng bố.
Đáp lại động thái trên của đồng minh, một quan chức Mỹ nói với tờ The Times of Israel rằng, Mỹ “chuẩn bị đưa ra những quyết định khó khăn để đưa chương trình hạt nhân của Iran trở lại giới hạn của JCPOA”, đồng thời trấn an rằng, việc đưa IRGC khỏi danh sách khủng bố là không có khả năng xảy ra. Phía Mỹ trước đó đã bày tỏ sẵn sàng đưa ra “các quyết định khó khăn” để đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA.
 |
Một cơ sở hạt nhân của Iran (ảnh minh họa). Ảnh: AP |
Cho đến nay, vẫn chưa rõ các quyết định khó khăn của Mỹ phải thực hiện là những gì. Chỉ biết rằng, ngoài vấn đề liên quan tới IRGC, Mỹ còn phải đưa ra những bảo đảm kinh tế đối với Iran trong trường hợp một chính quyền tương lai của Mỹ thay đổi lập trường và bãi bỏ thỏa thuận, như cựu Tổng thống Donald Trump đã làm năm 2018.
Đòi hỏi này của Iran là rất thực tế trong bối cảnh JCPOA cũng như bao thỏa thuận quốc tế khác mà Mỹ tham gia đều chưa thể nói trước điều gì. Việc đơn phương từ bỏ một số thỏa thuận của chính quyền Washington dưới thời chính quyền của ông Trump đã để lại những hệ lụy không hề nhỏ, bao gồm niềm tin đối với nước Mỹ. Các thông tin mới nhất cho biết, vấn đề nhạy cảm này cuối cùng dường như cũng đã được các bên thu xếp ổn thỏa để tiến gần hơn tới thỏa thuận.
Như vậy, vấn đề gai góc nhất cho đến giờ vẫn là IRGC. Mỹ sẽ cần phải rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng bởi đây là vấn đề có thể khiến Mỹ xa rời những đồng minh ở khu vực hơn. Israel kiên quyết phản đối việc đạt được một thỏa thuận bằng mọi giá và việc này cũng sẽ lôi kéo thêm sự ủng hộ từ một số nước có tiếng nói khác ở khu vực Trung Đông.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain củng cố quan hệ với Israel vào năm 2020 để tạo ra một trục khu vực mới trong bối cảnh cam kết của Mỹ-một đồng minh an ninh quan trọng-là không chắc chắn. Các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel với một loạt nước Arab đã cho thấy sự củng cố vững chắc của một khối các nước Trung Đông cùng chung chí hướng chống lại ảnh hưởng của Iran ở khu vực.
Các nước này không còn tin tưởng vào Mỹ trong việc bảo đảm an ninh khu vực, cho rằng Mỹ đã ít hỗ trợ trong cuộc chiến ở Yemen. Và việc Iran đạt được các mục tiêu của mình khi khôi phục JCPOA cũng có thể tạo mầm mống cho các xung đột tương lai giữa Tehran với các nước đối thủ ở khu vực.
Có lẽ hơn lúc nào hết, chính quyền Mỹ cần suy nghĩ một cách thận trọng hơn về tất cả những tác động ngoài mong muốn của một thỏa thuận hạt nhân mới trước khi lại đặt bút ký một lần nữa. Nhưng giờ đây, Mỹ đang ở vào tình thế buộc phải lựa chọn, vì sự tiếp tục trì hoãn một thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể khiến Tehran có những bước tiến xa hơn trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Đó có thể là nước này sẽ ngày càng tiến gần đến khả năng sản xuất một quả bom nguyên tử, hay ít nhất có thể chế tạo bom nguyên tử với tốc độ nhanh hơn, như cáo buộc của Mỹ và phương Tây. Nếu không nhanh chóng có một thỏa thuận mới đặt ra các giới hạn đối với việc làm giàu urani, Iran có lẽ sẽ sớm vượt qua vạch đích hạt nhân. Do đó, việc đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt là điều cần thiết.
Căn cứ vào diễn biến đàm phán có thể thấy, Mỹ khó mà đạt được mục tiêu đi tới một thỏa thuận “lâu dài hơn và mạnh mẽ hơn”, ám chỉ thỏa thuận sẽ gia hạn một số điều khoản của JCPOA mà theo kế hoạch sẽ hết hạn trong thập kỷ tới, cũng như đặt ra các giới hạn đối với việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Iran.
Hiện chưa rõ thỏa thuận mới nếu có sẽ đạt được mục tiêu nào, nhưng tối thiểu nó cũng được trông đợi có thể sẽ kéo dài “thời gian tạo đột phá” của Iran, tức là thời gian nước này cần để có đủ urani làm giàu cho một quả bom, thiết lập một chế độ giám sát sự vi phạm hạt nhân, tạo điều kiện và thời gian cho các hoạt động ngoại giao trong tương lai, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Trung Đông trong bối cảnh sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào những nơi khác.
Việc đạt được một thỏa thuận (nếu có) sau nhiều lần trì hoãn có vẻ như là một thắng lợi ngoại giao đối với nước Mỹ, nhưng thực chất lại là một thất bại chiến lược khi nó không giúp được gì nhiều ngoài việc trì hoãn một cuộc khủng hoảng khó tránh trong tương lai liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, cũng như những xáo trộn liên quan ở khu vực.
MAI NGUYÊN