Con số báo động

Theo sách trắng về sức khỏe của người lao động do Chính phủ Nhật Bản công bố mới đây, các doanh nghiệp giao thông vận tải và bưu chính có số lượng người lao động mắc chứng rối loạn não bộ và tim mạch, thậm chí tử vong do làm việc quá sức ở mức cao nhất. Cụ thể, các doanh nghiệp trong hai ngành này chiếm 30% tổng số ca mắc các chứng rối loạn nói trên trong giai đoạn 2014-2015, với 464 người. Tiếp theo là ngành bán buôn và bán lẻ với 229 người. Ngành công nghiệp chế tạo ghi nhận số trường hợp rối loạn tâm thần liên quan đến công việc cao nhất với con số là 349 người. Số ca tự tử do rối loạn tâm thần thường rơi vào các trường hợp lao động nam trong độ tuổi 40 và lao động nữ ở tuổi 29 hoặc trẻ hơn.

leftcenterrightdel
Tình trạng làm việc quá sức gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động Nhật Bản. Ảnh: Japan Times 
Báo cáo thường niên mới đây của chính phủ cũng cho biết, tại Nhật Bản có 191 cái chết được chính thức xác nhận liên quan tới tình trạng làm việc quá sức trong năm 2016. Báo cáo chỉ ra rằng, nhân viên tại Nhật làm việc nhiều hơn đáng kể so với tại Mỹ, Anh và các nước phát triển khác.

Bi kịch “karoshi”

Reuters đưa tin, công ty quảng cáo lớn của Nhật Bản Dentsu vừa bị tòa án ở Tokyo phạt 500.000 yên (khoảng 4.400USD) vì buộc nhân viên làm thêm giờ vượt quá giới hạn trong luật lao động. Theo luật của Nhật Bản, nhân viên chỉ phải làm việc 40 giờ một tuần, hoặc không quá 8 tiếng một ngày và có 1 giờ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản hiện chỉ cho phép phạt một số tiền tương đối nhỏ đối với những vi phạm liên quan đến tình trạng làm thêm giờ. Tình trạng “karoshi” lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi Đài Phát thanh-Truyền hình Nhật Bản NHK hé lộ tin tức về một phóng viên 31 tuổi qua đời 4 năm trước vì làm việc quá sức. Business Insider đưa tin, nguyên nhân cái chết của nữ nhà báo Miwa Sado, thuộc đài NHK, từng gây chấn động tại Nhật năm 2013 được tiết lộ. Theo đó, Miwa Sado qua đời vì bị suy tim sau khi làm việc ngoài giờ tổng cộng 159 giờ 37 phút một tháng. Tính trung bình, mỗi ngày Sado làm ngoài giờ khoảng 5,9 tiếng, gồm cả cuối tuần. Trước khi qua đời vào ngày 24-7-2013, nữ phóng viên mảng chính trị đã theo sát để đưa tin hai cuộc bầu cử trong suốt một tháng. Cuối cùng, cô gục ngã trên giường ngủ tại nhà mình, trong tay vẫn cầm điện thoại di động, tờ Asahi cho biết. 

Chính phủ vào cuộc

Trong năm nay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một kế hoạch hành động về việc cải cách cách thức làm việc, trong đó bao gồm giới hạn về giờ làm thêm và tăng lương cho các nhân viên bán thời gian và hợp đồng. Chính phủ Nhật Bản cũng hối thúc các doanh nghiệp giảm giờ làm và tăng số ngày nghỉ lễ cho người lao động so với hiện tại.

Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Katsunobu Kato nhấn mạnh, Bộ này sẽ không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ thực trạng người lao động tử vong do làm việc quá sức, đồng thời cam kết xây dựng một xã hội mà ở đó người dân có cơ hội làm việc trong điều kiện tốt, bảo đảm sức khỏe.

Động thái trên diễn ra vào lúc các công ty Nhật Bản đang rơi vào tình trạng thiếu nhân công vì tốc độ lão hóa của dân số. Dù nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ cải cách nhưng một số lao động Nhật Bản vẫn tỏ ra nghi ngờ. "Công ty của tôi nói họ đang thúc đẩy cải cách nhưng tôi đang làm thêm giờ giống như trước. Tôi còn phải làm việc vào cả thứ bảy. Nếu ngân hàng không giảm số lượng công việc, tình trạng làm thêm sẽ không giảm bớt", một nữ nhân viên 38 tuổi của một ngân hàng nói.

LÂM ANH