Cách đây 80 năm, cặp máy bay Junkers-88 của Phát xít Đức bay theo đội hình chiến đấu, chuẩn bị thả bom xuống làng Sarozh, nơi đặt sở chỉ huy Cụm phương Bắc, thuộc Tập đoàn quân 4 của Hồng quân Liên Xô. Các máy bay ném bom di chuyển một cách bình tĩnh và không có yểm trợ.

Tại thời điểm mùa thu năm 1941 của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các đơn vị Hồng quân có lực lượng không quân hạn chế và thiếu thốn hệ thống súng phòng không.

Tới gần khu vực Tikhvin, bỗng nhiên, một âm thanh kỳ lạ vang lên và bầu trời xuất hiện một vầng lửa bùng lên từ mặt đất. Sau mấy giây, chiếc máy bay dẫn đầu của Phát xít Đức biến thành một quả cầu lửa, rơi xuống đất. Phi công lái chiếc Junkers-88 còn lại nhanh chóng phản ứng, sau khi nhận thấy “tia sét” từ mặt đất đang tấn công theo hướng của mình. Máy bay thả bom xuống đầm lầy và rời khỏi khu vực.

Đó là lần đầu tiên máy bay địch bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không của Hồng quân Liên Xô. Vũ khí đó được trung úy Nikolai Baranov, một nhà sáng chế tự học, chế tạo, và được xem là người tạo ra “dàn tên lửa phòng không” đầu tiên trên thế giới.

 Máy bay ném bom Junkers-88 của phát xít Đức bị tên lửa phòng không Liên Xô bắn rơi. Ảnh: zvezdaweekly.ru

Là người có năng lực và thông thạo kĩ thuật - công nghệ, Nikolai Baranov được cử chỉ huy trung đội súng máy phòng không và được nhận quân hàm sĩ quan.

Nghiên cứu không chỉ trên lý thuyết, ngay trong các trận đánh đẩy lùi các cuộc tập kích đường không của đối phương, trung úy Nikolai Baranov nhận ra rằng, khả năng của các vũ khí phòng không hiện có của Liên Xô là rất khiêm tốn.

Tại một sân bay gần đó có kho chứa các tên lửa RS-82 và RS-132 không còn sử dụng. Trung úy Baranov đã đề xuất thử nghiệm điều chỉnh các tên lửa này cho mục đích phòng không. Trong giai đoạn này, không quân Đức thống trị bầu trời, và Liên Xô chưa có cách nào khắc chế. Do đó, việc thử nghiệm được phép tiến hành.

Trước đó, các nhà thiết kế Liên Xô đã cố gắng sử dụng tên lửa phóng từ mặt đất để chống lại máy bay đối thủ vào cuối những năm 1930. Nhưng việc kích nổ đầu đạn không đạt được nhiều kết quả, và dự án đã bị bỏ dở. Vấn đề kỹ thuật đã được trung uý Nikolai Baranov giải quyết. Ông đã vẽ bản phác thảo, và sau đó làm thí nghiệm ngay trong một xưởng sửa chữa máy bay dã chiến.

Theo đó, tên lửa phòng không được thiết kế đơn giản: Chúng được đặt trên khung làm bằng thép ống, ở trung tâm gắn bảng điều khiển phóng tên lửa 82 mm, ở hai bên là bộ phận dẫn hướng cho 12 tên lửa ở 2 tầng. Phần đế của khung được cố định trong ổ trục làm bằng thép.

Nikolai Baranov điều chỉnh các thiết bị bắn loại bỏ từ các máy bay chiến đấu ngừng hoạt động và một thiết bị trên máy bay ném bom. Bệ phóng tên lửa được đưa lên bệ khung gầm ZIS-5 và đưa vào vị trí chiến đấu.

 Trung úy Baranov bên dàn tên lửa  phòng không tự chế. Ảnh: Ảnh: zvezdaweekly.ru

Sau lần đầu tiên sử dụng thành công dàn tên lửa phòng không tự chế vào ngày 14-11-1941, vũ khí này được cải tiến để có thể bắn trúng mục tiêu mặt đất. Các phi công Đức sau đó không còn dám bay vào khu vực này nữa.

Bộ chỉ huy Hồng quân Liên Xô được truyền cảm hứng từ thành công đó, và tại nhà máy sửa chữa máy bay dã chiến ở Pikalevo, 6 cơ sở lắp đặt vũ khí phòng không đã được sản xuất theo bản phác thảo của Trung úy Nikolai Baranov.

Tiếp đó, 2 phương tiện phóng loại 12 viên dành cho rocket 132 ly và 4 phương tiện khác loại 24 viên dành cho tên lửa 82 ly được sử dụng để đẩy lùi các cuộc không kích của Phát xít Đức trên mặt trận Leningrad và Volkhov.

Mùa xuân năm 1942, Nikolai Baranov được trao tặng Huân chương Sao Đỏ. Tại lễ vinh danh, báo cáo đã nêu rõ: “Đồng chí Baranov là một chỉ huy trẻ, tài năng. Đồng chí đã tự phát triển các bản thiết kế và chế tạo thiết bị bắn vào các mục tiêu trên mặt đất và trên không từ vũ khí phòng không.

Trong trận chiến tại thành phố Tikhvin, đồng chí Baranov, theo chỉ thị của chỉ huy Tập đoàn quân 4, liên tục nã đạn vào đối phương. Dưới tiếng nổ của mìn và đạn pháo của địch, Baranov đưa thiết bị phòng không đến gần kẻ thù và bắn tiêu diệt địch ở khu vực thành phố Tikhvin”.

Baranov liên tục đẩy lùi các cuộc tấn công từ máy bay Đức trong ngày 15-12-1941 và bắn hạ chiếc Ju-88 bằng một quả tên lửa. Với dàn pháo phòng không tự chế, Baranov đã cung cấp khả năng phòng không cho quân đội. Từ ngày 16 đến ngày 25-12-1941, một khẩu đội phòng không liên tục thực hiện nhiệm vụ canh gác trên không và liên tục đẩy lùi các nỗ lực bắn phá nhà ga của máy bay Đức và các cơ quan quân sự đóng tại đó.

Hệ thống tên lửa phòng không bán thủ công của Nikolai Baranov đã bắn hạ một số máy bay ném bom Đức. Tuy vậy, các khẩu đội phòng không này đã không được phân bố rộng rãi và phát triển thêm trong quân đội. Về độ chính xác khi bắn, chúng vẫn thua kém đáng kể so với các loại pháo phòng không hiện có khi đó. Sau năm 1941, Liên Xô đã thiết lập việc sản xuất trên quy mô lớn. 

Tháng 2-1943, khi đang đẩy lùi một cuộc tập kích của máy bay địch, một vụ phóng bất thành đã xảy ra. Tên lửa rơi và phát nổ cách nơi lắp đặt vài mét. Baranov bị thương và được đưa đến bệnh viện. Sau khi bình phục, anh trở lại mặt trận và chiến đấu cho đến khi kết thúc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Sau chiến tranh, Baranov tiếp tục phục vụ trong quân đội. Ông nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá và qua đời năm 1965.

Kỷ nguyên của tên lửa phòng không Nga-Xô bắt đầu từ sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Và hiện vẫn đang tiếp tục phát triển. Ngày nay, các hệ thống tên lửa phòng không là xương sống của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Trong đó, một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới S-300 và S-400 đang canh giữ bầu trời nước Nga. Trong khi hệ thống S-500 sẽ sớm đi vào sản xuất, còn quá trình phát triển S-550 đã bắt đầu.

MINH TUẤN (Theo zvezdaweekly.ru)