QĐND - Ông là Mi-sen Xtra-si-ne-xquy (Michel Strachinescu), người lái xe cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời (CPCMLT) tại Hội nghị Pa-ri. Chúng tôi đã tìm gặp Mi-sen khi ông vừa tới Hà Nội, với tư cách là khách mời quốc tế nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri.

Công việc ủng hộ chính nghĩa

Ông hồ hởi kể về những người đồng chí Việt Nam, về công việc ông đã làm trong suốt 3 năm phục vụ đoàn CPCMLT. Câu chuyện diễn ra nhiều chục năm về trước mà cách kể nhiệt tình, sôi nổi của ông như thể mới chỉ vừa diễn ra. Bởi đó là những ký ức ông không thể nào quên. Ông vui vẻ nói: “Bà Bình đúng là một “nữ hoàng”, một người phụ nữ tuyệt vời mà tôi rất kính trọng!”.

Mi-sen mô tả lại cuộc đối đáp giữa người phát ngôn Lý Văn Sáu và tay nhà báo Mỹ. Ảnh: Mai Nguyên

 

Hồi đó, báo chí tại Pa-ri đã phong tặng bà danh hiệu “Nữ hoàng Việt cộng” với hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam, mang bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần quật khởi của người miền Nam. Sự xuất hiện của bà đã đập tan những luận điệu xuyên tạc của đối phương về những người chiến sĩ cộng sản Việt Nam thời ấy. Bà Bình thường hỏi chuyện ông bằng tiếng Pháp với âm điệu rất chuẩn xác, chủ yếu hỏi thăm gia đình và con cái ông ở nhà ra sao. Trong suốt 3 năm (từ năm 1970 đến 1973), vì nhà xa không thể đi về thường xuyên, ông đã để lại gia đình, vợ con để tới Verriere-le-Buisson phục vụ đoàn đàm phán CPCMLT. 

Tuy được giao nhiệm vụ trực tiếp lái xe phục vụ bà Nguyễn Thị Bình, nhưng nhiều lúc ông cũng lái xe cho các đồng chí khác, trong đó có đồng chí Lý Văn Sáu, người phát ngôn của đoàn CPCMLT. Đang nói chuyện, bỗng Mi-sen đứng bật dậy, làm điệu bộ chỉ tay và quay người. Thì ra ông đang mô tả cuộc đối đáp của ông Lý Văn Sáu với một tay nhà báo Mỹ, người đã giơ tấm bản đồ và hỏi vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam ở đâu tại một cuộc họp báo. Mi-sen còn nhớ khi đó, ông Lý Văn Sáu đã đáp rằng, "máy bay Mỹ ném bom nơi nào ở miền Nam Việt Nam thì những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi". Mi-sen kể ông đã được người phát ngôn Lý Văn Sáu giải thích cho rất nhiều về ý nghĩa cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, từ lúc ban đầu chỉ biết qua báo chí, dần dần ông đã hiểu hơn về cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam.

Khi mới được bộ phận chuyên trách của Đảng Cộng sản Pháp đề xuất giao nhiệm vụ lái xe phục vụ đoàn CPCMLT, ông thực sự vẫn còn mơ hồ về công việc mình sẽ làm. Khi ấy, Mi-sen là một đảng viên trẻ, mới 24 tuổi của Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng càng tiếp xúc lâu và gần gũi với những đồng chí Việt Nam, với công việc của đoàn đàm phán, ông Mi-sen càng hiểu hơn những gì mình đang làm là một nhiệm vụ chính trị, chứ không chỉ là công việc đơn thuần. Ông hiểu đó là công việc vì chính nghĩa, giúp đỡ một đất nước chống lại chiến tranh xâm lược.  

Bức ảnh chụp bà Nguyễn Thị Bình mà ông Mi-sen lưu giữ. Ảnh tư liệu

 

“Nếu là công việc thì sẽ bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc vào 17 giờ. Còn chúng tôi làm việc bất kể giờ giấc, có lúc chờ đoàn họp xong đến 2, 3 giờ đêm là chuyện bình thường”, ông kể lại. Nhiệm vụ cũng khá căng thẳng vì ngoài việc lái xe, ông còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ cho bà Bình khi di chuyển trên đường. Ông luôn phải cảnh giác quan sát vì đề phòng phía đối phương sẽ có những hành động bất lợi, gây nguy hiểm cho các thành viên trong đoàn.

Một lần Mi-sen đang lái xe trên đường cao tốc chở đồng chí Lý Văn Sáu và một số thành viên khác trong đoàn thì phát hiện lá cờ nhỏ của CPCMLT cắm trên ô tô gãy và rơi xuống đất. Dường như có ai đó đã cố tình bẻ gãy chiếc đế cắm cờ. Khi đó, xe đã chạy được khoảng 200m rồi. Lúc ấy trong đầu Mi-sen chỉ kịp nghĩ rằng không thể để lá cờ nằm đó mà phải nhặt bằng được mang về. Vậy là bất chấp nguy hiểm, ông ra các dấu hiệu khẩn cấp, rồi dừng xe, bước xuống quay lại nhặt lá cờ trong tiếng hò hét, quát tháo của những người lái xe khác. Lúc đó họ tưởng ông bị điên vì có hành động quá nguy hiểm có thể tai nạn chết người. 

Mi-sen cũng chia sẻ thật, công việc bận rộn, lại kéo dài nhiều năm nên thật sự cũng không phải dễ dàng gì cho vợ ông. "Nhưng các đồng chí Việt Nam đã tới tận nhà gặp Giắc-cơ-lin (Jacquelines) và giải thích nên cô ấy cũng rất thông cảm với công việc của chồng", Mi-sen nhớ lại.

Bánh ga-tô chúc mừng Việt Nam

Ba năm phục vụ đoàn đàm phán CPCMLT, trong ký ức Mi-sen đầy ắp những kỷ niệm đẹp với những người mà ông vẫn gọi là các “đồng chí Việt Nam”. Ông vui với niềm vui của các “đồng chí Việt Nam” mỗi lần đón đoàn đi họp về có kết quả tích cực. Và cũng buồn lây sau mỗi cuộc họp căng thẳng, mệt mỏi và kéo dài của họ. Tự tay Mi-sen đã làm một chiếc bánh ga-tô nhiều tầng kiểu Pháp để chúc mừng các đồng chí Việt Nam sau khi Hiệp định Pa-ri được ký tắt. Trên tầng cao nhất của chiếc bánh còn có hình một lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Ông cũng nhớ cả người đầu bếp Việt Nam mà các ông vẫn gọi là “papa” (nghĩa là “bố”) đã nhiệt tình nấu cho các đồng chí người Pháp phục vụ đoàn thưởng thức các món ăn Việt Nam.

“Trong ngày Hiệp định Pa-ri chính thức được ký, 27-1-1973, niềm vui vỡ òa của các đồng chí Việt Nam cũng chính là niềm hạnh phúc của chúng tôi”, Mi-sen còn nhớ. Nhưng chính lúc đó, Mi-sen cũng hiểu rằng cuộc chiến ở Việt Nam còn chưa kết thúc. Vì sau khi Mỹ rút quân về nước theo Hiệp định Pa-ri thì vẫn còn lại chính quyền ngụy tay sai.

Cầm xấp ảnh tư liệu trên tay, ông đọc vanh vách tên những đồng chí Việt Nam trong đoàn mà ông có dịp chụp ảnh kỷ niệm cùng. Ông cũng trân trọng lưu giữ bức ảnh chân dung của “Nữ hoàng Việt cộng” ở Pa-ri với chữ ký tặng của bà. Sau giải phóng, năm 1976, bà Bình đã mời Mi-sen sang thăm Việt Nam để tỏ lòng cảm ơn. Đó là lần đặt chân đầu tiên của Mi-sen tới đất nước của những người “đồng chí Việt Nam” mà ông từng một thời gắn bó.

MỸ HẠNH