Theo Izvestia, ngày 12-3, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga thông báo, các phái đoàn Nga và Ukraine đang tiếp tục đàm phán theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, ông Vladimir Medinsky, Trợ lý Tổng thống Nga, Trưởng phái đoàn Nga trong những cuộc đàm phán trực tiếp trước đó vẫn tiếp tục giữ vai trò này trong những cuộc đàm phán trực tuyến.

Phía Ukraine đã xác nhận thông tin trên. "Các cuộc đàm phán với phái đoàn Nga tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến. Các nhóm làm việc đặc biệt đã được thành lập. Ukraine vẫn giữ lập trường cứng rắn như trước", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, viết trên trang Twitter cá nhân. Theo ông Podolyak, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng rằng tiến trình hòa bình sẽ bắt đầu trên thực tế chứ không phải bằng lời nói.

Phái đoàn Nga và Ukraine tại vòng đàm phán trực tiếp thứ nhất ngày 28-2. Ảnh: RIA Novosti 

Liên quan đến tiến trình tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, cùng ngày, phát biểu trước các phóng viên nước ngoài tại Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng khẳng định các cuộc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột giữa hai bên vẫn tiếp diễn.

Theo AFP, ông Zelensky cho biết, về cơ bản hiện nay Nga đã có cách tiếp cận khác trong các cuộc đàm phán. Ông Zelensky giải thích cách tiếp cận này trái ngược với cách tiếp cận trong các cuộc đàm phán trước đó, khi Nga chỉ đưa ra tối hậu thư. Nhà lãnh đạo Ukraine nói ông vui mừng trước tín hiệu này từ Nga. Ông Zelensky cũng đề nghị Thủ tướng Israel Naftali Bennett tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tại Jerusalem.

“Tôi không nói về các cuộc họp cấp chuyên viên. Tôi đang nói về những cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo. Tôi cho rằng Israel có thể là một địa điểm tổ chức và có lẽ địa điểm cụ thể là Jerusalem”, ông Zelensky nhận định. Theo Reuters, về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Kiev sẵn sàng đàm phán để kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine do Nga phát động. Tuy nhiên, ông Kuleba nhấn mạnh, Ukraine sẽ không đầu hàng hay chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào.

Trước đó, trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận, trong những ngày gần đây, một loạt cuộc đàm phán giữa các đại diện của Nga và Ukraine đã được tiến hành theo hình thức trực tuyến. Thông cáo báo chí của Điện Kremlin cho biết, tại cuộc điện đàm, Tổng thống V.Putin đã thông báo với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức về tình hình nhân đạo trên thực tế tại các khu vực Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông Putin cho rằng lực lượng an ninh Ukraine đã vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế như bắt con tin và sử dụng dân thường làm “lá chắn sống”, đặt vũ khí hạng nặng trong khu dân cư, gần bệnh viện, trường học, nhà trẻ... Tổng thống V.Putin kêu gọi người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hối thúc chính quyền Ukraine ngăn chặn các hành vi như vậy. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã kêu gọi Nga ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine. Sau cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã nhất trí tiếp tục xúc tiến những cuộc tiếp xúc về vấn đề Ukraine trong thời gian tới.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẵn sàng thực hiện các bước ngoại giao mà Kiev cho là hữu ích. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Washington ủng hộ chính sách ngoại giao của Ukraine và các nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn với Nga. Chúng tôi đang nỗ lực để đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ nhất có thể trong đàm phán bằng cách tăng cường trừng phạt đối với Moscow và hỗ trợ an ninh để giúp người Ukraine tự bảo vệ mình".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phụ trách cung cấp khoản viện trợ quốc phòng trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cả hoạt động đào tạo và huấn luyện quân sự. Trong khi đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell khẳng định, EU sẽ không can thiệp vào căng thẳng ở Ukraine bằng các biện pháp quân sự làm gia tăng xung đột. Hãng tin CNN dẫn lời ông Borrell cho biết, EU sẽ không can thiệp quân sự do không muốn chiến tranh tiếp tục lan rộng, song sẽ hỗ trợ Ukraine thông qua áp dụng những biện pháp trừng phạt làm giảm tiềm lực của Nga.

Về tình hình nhân đạo tại Ukraine, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thông báo, nước này bảo đảm thực phẩm cơ bản cho người dân trong vài tháng tới. Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh phối hợp hỗ trợ tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine chạy sang nước này. Cụ thể, các chính quyền khu vực ở Nga sẽ tiếp nhận những người sơ tán trong phạm vi hạn ngạch đã được nhất trí. Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã chuyển hơn 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới các khu dân cư ở Kiev. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, hàng viện trợ bao gồm ngũ cốc, thịt và cá đóng hộp, bánh mì, kẹo và đồ ngọt, nước uống đóng chai.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính đến ngày 11-3, có gần 2,6 triệu người đã phải sơ tán kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phần lớn trong số đó chạy sang Ba Lan.

LÂM ANH