Sau cuộc đàm phán kéo dài 8 giờ, đại diện 4 nước đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Tuyên bố chung nêu rõ: "Các bên ủng hộ việc tuân thủ vô điều kiện lệnh ngừng bắn, bất chấp những bất đồng trong các vấn đề liên quan đến thực thi thỏa thuận Minsk”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, ông sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay (ngày 28-1). Hiện cả Đức và Pháp đều bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, các nước châu Âu cần phải xem xét cái giá phải trả của các lệnh trừng phạt chống lại Nga và tác động của điều này có thể gây ra đối với nền kinh tế của chính họ.
 |
Phó chánh văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak (bên trái) họp báo sau cuộc đàm phán theo thể thức Normandy ở Paris, ngày 26-1.
Ảnh: AFP |
Trong khi đó, đại diện của Nga, Phó chánh văn phòng Điện Kremlin, ông Dmitry Kozak khẳng định, cuộc đàm phán theo thể thức Normandy đã diễn ra không suôn sẻ nhưng thẳng thắn. Ông Dmitry Kozak nêu rõ: “Chúng tôi đã đối thoại khá khó khăn, nhưng có thể đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên để đánh giá tất cả vấn đề liên quan tới việc thực thi thỏa thuận Minsk”. Ông Kozak cho biết thêm, cuộc đàm phán tiếp theo theo thể thức Normandy với sự tham gia của các đại diện chính trị sẽ diễn ra ở Berlin (Đức) trong hai tuần nữa, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên sẽ đưa ra những sáng kiến thúc đẩy tiến trình hòa bình tại cuộc đàm phán sắp tới.
Căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây đã leo thang trong những ngày gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ và cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh, Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Moscow cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine sẽ có hậu quả nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố ngày 27-1, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định, không một quốc gia nào tìm kiếm chiến tranh và mọi biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn một cuộc đối đầu giữa Moscow và NATO. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Medvedev nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp, chiến tranh là điều không mong muốn. Không một quốc gia nào mong muốn chiến tranh và mọi biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, đặc biệt là một cuộc đối đầu giữa Nga và NATO”. Cũng theo ông Medvedev, Nga cần được bảo đảm an ninh để loại bỏ những mối đe dọa đã định hình vào thời điểm hiện tại. Nếu đạt được các thỏa thuận, văn kiện này phải có giá trị ràng buộc.
Trong quan hệ với Mỹ, ông Medvedev cho hay, Washington đang tích cực yêu cầu Moscow hợp tác chống tội phạm mạng và chia sẻ thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ Nga-Mỹ đang leo thang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ xem xét trừng phạt cá nhân ông Putin nếu Tổng thống Nga quyết định tấn công Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng, việc Nga tấn công nước láng giềng sẽ đánh dấu cuộc xâm lấn lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và điều này sẽ làm thay đổi thế giới. Phản ứng trước đe dọa này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không gây tổn hại cho Tổng thống Nga mà chỉ làm phức tạp thêm nỗ lực xuống thang căng thẳng ở Ukraine.
BÌNH NGUYÊN