QĐND Online - Moscow ngày 28-2 đã lên tiếng yêu cầu phương Tây, NATO và Mỹ không nên tiếp tục điệp khúc “khiêu khích” và không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine sau khi một loạt chính trị gia phương Tây liên tục tuyên bố Nga phải “minh bạch” cuộc tập trận quy mô gần Ukraine và tránh mọi hành động có thể gây hiểu nhầm đối với tình hình khủng hoảng tại nước này.
Nỗ lực ngoại giao của phương Tây đã vô hiệu?
Ngày 27-2, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trên trang website của tổ chức, khẳng định: “Khi NATO quyết định bắt đầu đánh giá tình hình ở Ukraine, thì đó là một tín hiệu sai lầm gửi tới phía Nga”.
Sau chính biến tại Kiev, diễn biến hỗn loạn tại Ukraine đã chuyển tới vùng tự trị Crưm (Crimea), chính Mỹ, EU và NATO đều lên tiếng quan ngại và chủ động đề xuất cách hành động với phía Nga. Dù trước đó, đề xuất của họ đối với chính phủ Ukraine lâm thời hầu như vô hiệu.
 |
Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen phát biểu trong phiên họp NATO-Ukraine.
|
 |
Biểu tình ở Kiev đã lắng dịu, nhưng người biểu tình vẫn chưa chịu...về nhà.
|
 |
Người biểu tình ủng hộ Nga mang theo quốc kỳ Nga khi tuần hành ở trung tâm thủ phủ Simferopol, Crưm
|
Đề xuất giải quyết khủng hoảng tại Ukraine đã được ký trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Đức, Ba Lan, Pháp, nhưng thực tế “nó đâu có hiệu lực”.
“Lực lượng biểu tình tại Ukraine vẫn chưa hạ vũ khí, rút khỏi trụ sở công và tiếp tục “mở rộng làn sóng nổi dậy” ra toàn lãnh thổ quốc gia Đông Âu này”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
Thỏa thuận hòa bình, thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Ukraine đã bị “lãng quên. Thay vào đó, một chính phủ của “những kẻ chiến thắng”, bao gồm những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đã được thành lập ở Kiev”, Moscow chỉ trích.
Nga là một trong những nước tích cực kêu gọi phương Tây dừng các hoạt động khuyến kích biểu tình tại Kiev và tìm phương pháp giải quyết nó một cách ít đổ máu và tổn thất nhất.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, nhưng phải dựa trên nền tảng trung thực và các khả năng biến thỏa thuận trên giấy thành hiện thực hòa bình ở Ukraine. Thỏa thuận hòa bình phải đáp ứng mọi lợi ích của người dân Ukraine cũng như đối tác của quốc gia này”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Tiêu chuẩn kép dành cho Ukraine
Các ý kiến phản đối của chính giới phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26-2 ra lệnh bất ngờ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân khu phía Nam và miền Trung Nga. Liên quan tới hoạt động tập trận thường niên trên, Moscow khẳng định, điều đó không hề liên quan tới tình hình tại Ukraine và tuân thủ nghiêm thỏa thuận quốc tế Nga ký tại Vience năm 2011. Đại diện NATO sau đó cũng xác nhận điều này.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27-2, Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, lại lên tiếng kêu gọi Nga “hãy đừng thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây căng thẳng hoặc tạo sự hiểu lầm đáng tiếc”.
Quan điểm trên sau đó được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lặp lại với yêu cầu Moscow phải minh bạch các hoạt động quân sự dọc theo biên giới giáp Ukraine và không nên “có những hành động sai lầm trong thời điểm nhạy cảm hiện nay”.
Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng cảnh báo, Moscow hãy “cẩn thận” với cách tiếp cận khủng hoảng ở Ukraine và tôn trọng sự toàn viễn lãnh thổ của nước này. Tuyên bố tương tự cũng được Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra.
‘Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới tình hình tại vùng tự trị Crưm. Các nước phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine”, ông D. Cameron tuyên bố trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27-2.
Trong phiên họp của Ủy ban NATO-Ukraine, ông R. Rasmussen tuyên bố: “NATO sẵn sàng hỗ trợ phát triển dân chủ, cải cách quốc phòng, hợp tác quân sự và kiểm soát dân chủ trong lĩnh vực an ninh của Ukraine. Đặc biệt, cánh của vào NATO vẫn mở đối với Ukraine, nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Tình trạng hỗn loạn tại Crưm bắt đầu ngày sau chính phủ Ukraine lâm thời được thành lập và thông qua một loạt chính sách cực đoan, trong đó có việc cấm sử dụng tiếng Nga tại nước này. Cần nhấn mạnh rằng, có tới 58,3% dân số trên bán đảo Crưm sử dụng tiếng Nga. Căng thẳng càng gia tăng khi nhiêu thành phố ở vùng tự trị này không công nhận tính hợp pháp của chính phủ Ukraine lâm thời, hạ quốc kỳ Ukraine và treo cờ Nga.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, cuộc tập trận của Quân khu phương Nam và miền Trung bắt đầu vào 14 giờ (giờ Moscow) ngày 27-2, cùng sự tham gia nhiều đơn vị không quân, lính dù, không vận quân sự.
Theo thứ trưởng Quốc phòng Nga, Anatoly Antonov, hoạt động diễn tập sẽ được chia làm hai giai đoạn từ 27 tới 28-2 và từ 28-2 tới 3-3. Hơn 150.000 binh sĩ, cùng các đơn vị cơ giới sẽ tham gia kiểm tra khả năng thực chiến.
Năm 2013, Nga đã tổ chức ít nhất 6 cuộc kiểm tra tương tự đối với lực lượng vũ trang. Cuộc tập trận hồi tháng 7-2013 được coi là lớn nhất thời hậu Xô viết với khoảng 160.000 binh sĩ, 1.000 xe tăng và xe bọc thép, 130 máy bay quân sự và 70 chiến hạm.
|
TUẤN SƠN (theo Russiatoday)