Tránh được những hệ lụy kinh tế tồi tệ nhất
Trong một bài viết với tiêu đề “Vietnam economy is Asia's shining star during Covid-19” (Tạm dịch: Nền kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng của châu Á thời Covid-19), BBC nhấn mạnh Việt Nam đã giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra và là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á “trên đà tăng trưởng” trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 2,4% trong năm 2020 nhờ “các bước đi mang tính quyết định trong việc ngăn chặn các hệ lụy kinh tế và y tế do dịch Covid-19”. “Năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn nhưng Việt Nam đã tránh được những hệ lụy kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch”, BBC nêu rõ.
Bài viết dẫn lời chuyên gia kinh tế Michael Kokalari của Quỹ đầu tư Vinacapital cho rằng có một số yếu tố giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của đại dịch, trong đó bất ngờ nhất là sự gia tăng mạnh mẽ số người làm việc tại nhà trên thế giới. “Mọi người mua máy tính xách tay hoặc nội thất văn phòng mới để có thể dành nhiều thời gian làm việc tại nhà hơn. Nhiều sản phẩm trong số đó được sản xuất tại Việt Nam”, chuyên gia Michael Kokalari nhấn mạnh. BBC cho rằng nhận định này được xác thực bởi số liệu thống kê cho thấy trong 3 quý năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu các mặt hàng điện tử tăng 26%. Theo ông Kokalari, một yếu tố khác phải kể đến là đại dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc chuyển sản xuất sang Việt Nam do nhu cầu đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của họ.
 |
Người lao động làm việc tại một nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Yonhap |
Đáng ngạc nhiên
Trong một bài viết có tiêu đề “Vietnam shining bright as Covid-19 crisis winner” (Tạm dịch: Việt Nam tỏa sáng như là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng Covid-19), tờ Asia Times có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, chính phủ không đặt vấn đề lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe người dân nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Chính điều này khiến người ta phải ngạc nhiên. Bài viết cho rằng xuất khẩu-vốn dễ duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa, chính là động lực cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam cũng ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước Đông Nam Á khác, do đó ít chịu sức ép hơn khi du lịch quốc tế bị đình trệ. Theo bài viết, việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan hơn. Việc IMF dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay “rõ ràng là sự ghi nhận đối với cách ứng phó nhanh, hiệu quả và minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam trước dịch Covid-19”.
Bài viết dẫn dự báo của IMF cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5% “khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước trở lại bình thường”. “Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á nể phục mà còn được cộng đồng quốc tế ca ngợi về sự kiên cường của mình... Chắc chắn rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ lại khiến khu vực phải ghen tỵ trong năm 2021”, tờ Asia Times khẳng định.
Cùng chung nhận định lạc quan, trang mạng Proactive của Anh dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng trên 6% vào năm 2021 do có “nhiều động lực tăng trưởng”. Theo Proactive, sự kiên cường giữa đại dịch đã “giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn” và “tiếp thêm động lực” cho các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác. Vị thế của Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại cũng sẽ được nâng cao thông qua việc ký kết Hiệp định RCEP vốn dự kiến tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Trang mạng Proactive dẫn lời ông Craig Martin, Giám đốc Quỹ đầu tư Vietnam Holding đánh giá với một nền kinh tế mở như Việt Nam, việc ký kết các hiệp định thương mại, trong đó có RCEP, “giúp tô đậm hơn nữa câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam”.
HOÀNG VŨ