The Japan Times ngày 25-4 cho biết, nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã khiến 7.000 trường công lập của nước này phải cho học sinh học trực tuyến tại nhà. Việc này gợi nhớ tới thời gian bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 và làm dấy lên lo ngại thời tiết cực đoan trong những năm tới sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng về giáo dục ở quốc gia được cho là dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Các học sinh sống ở các khu ổ chuột, không có máy tính hay mạng internet để học trực tuyến. Giáo viên buộc phải giao bài tập trực tiếp cho các em. Điều này vốn đã được bộc lộ trong đại dịch Covid-19, khi nước này có những đợt đóng cửa trường học dài nhất trên thế giới.

leftcenterrightdel

Các em học sinh Philippines tìm cách chống chọi với cái nắng như thiêu đốt ngoài trời để tới trường trước khi có quyết định học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Phys.org 

Philippines đang ở vào những tháng khô nóng nhất, nhưng nắng nóng năm nay nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Thị trấn Aparri ở miền Bắc nước này đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 48oC vào ngày 23-4 và 45oC vào ngày 24-4. Các bể bơi tại nước này cũng vắng khách vì người dân không ra đường trong điều kiện nắng nóng thiêu đốt. Theo AFP, cơ quan dự báo thời tiết Philippines cho biết, ít nhất 30 thành phố và đô thị có chỉ số nhiệt đạt mức “nguy hiểm” từ 42oC trở lên vào ngày 24-4. Trong khi đó, khoảng một nửa số tỉnh của Philippines đã bị hạn hán. 

Các giáo viên Philippines cho biết, cần có nhiều biện pháp hơn để đối phó với tình trạng nắng nóng cực độ ở trường học-từ giải quyết tình trạng thiếu lớp học và giáo viên dẫn tới tình trạng quá tải đến việc cung cấp nước uống miễn phí và có y tá hoặc bác sĩ tại trường. Liên minh các giáo viên đã đề xuất đảo ngược ngay lập tức lịch học. Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Philippines cho biết, hiệu trưởng được phép quyết định thời điểm chuyển sang lớp học trực tuyến.

Chia sẻ với AFP, bà Ana Solis, chuyên gia trưởng khí hậu tại cơ quan dự báo thời tiết của Philippines cho biết, 50% khả năng nắng nóng sẽ gia tăng trong những ngày tới. Theo bà, cần hạn chế thời gian ở ngoài trời, uống nhiều nước, mang theo ô và mũ khi ra ngoài. Theo Bộ Y tế Philippines, từ đầu năm đến nay, hệ thống giám sát và ứng phó dựa trên sự kiện của Bộ này đã ghi nhận ít nhất 34 ca bệnh do nhiệt, trong đó có 6 trường hợp tử vong.

Nắng nóng thiêu đốt những ngày qua cũng hoành hành tại nhiều khu vực khác ở Đông Nam Á. Chính quyền Thái Lan ngày 24-4 phát cảnh báo ở Bangkok, kêu gọi người dân ở trong nhà để bảo đảm an toàn khi nhiệt độ tăng vọt. Ngày 25-4, Thái Lan đưa ra cảnh báo mới về thời tiết nắng nóng thiêu đốt khi chính phủ cho biết tình trạng sốc nhiệt đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng trong năm nay. Chính quyền TP Bangkok đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ khi chỉ số nhiệt dự kiến sẽ tăng trên 52oC.

Tại Bangladesh, nhiều trường học trên khắp đất nước cũng phải đóng cửa vì nắng nóng. Ở Singapore, các trường tiểu học và THCS cho phép học sinh mặc đồng phục thể dục đến trường để bảo đảm sự thoải mái. 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 243 triệu trẻ em ở châu Á và Thái Bình Dương dự kiến phải hứng chịu những đợt nắng nóng trong vài tháng tới. Trẻ em đặc biệt dễ bị say nắng và việc tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của các em. Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc cho biết, châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh. Nhiệt độ năm ngoái ở châu lục này cao hơn gần 2oC so với mức trung bình toàn cầu từ năm 1961 đến 1990.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.