Theo trang The Global Frontier (Mỹ) ngày 12-6, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Giám đốc phụ trách các vấn đề về bán cầu tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Juan Gonzalez bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với cuộc đối thoại do Venezuela khởi xướng và là cuộc đối thoại mà Washington không áp đặt các điều kiện. “Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng phải dựa trên các bước cụ thể”, ông Juan Gonzalez giải thích.
 |
Người dân Venezuela tham gia một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro.Ảnh: Venezuela Analysis |
Bên cạnh đó, quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những tiến bộ trong đối thoại thực chất giữa chính phủ và phe đối lập ở Venezuela, khẳng định chính người dân Venezuela mới là những người dẫn dắt tiến trình đối thoại chứ không phải các quốc gia khác. AFP nhận định, Washington đang nới lỏng một số lệnh trừng phạt lên Venezuela để khuyến khích tiến trình đối thoại trên, nhưng bị đình trệ từ năm ngoái, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo ở nước này.
Tuyên bố trên của quan chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu hạ nhiệt trong quan hệ giữa Washington và Caracas. Đơn cử, một phái đoàn cấp cao của Chính phủ Mỹ đã tới Caracas vào tháng 3 vừa qua để thảo luận một số vấn đề quan trọng, trong đó có lĩnh vực an ninh năng lượng. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất từ chính quyền Washington trong vài năm trở lại đây tới Venezuela. Mặc dù không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc gặp đáng chú ý này, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết đã nhất trí về một chương trình làm việc trong tương lai liên quan tới các nội dung mà hai bên cùng quan tâm trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau vì sự thịnh vượng và hòa bình.
Không lâu sau, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ cho phép Chevron - công ty dầu khí duy nhất của Mỹ còn hoạt động tại Venezuela, được thương lượng về giấy phép với công ty dầu khí Nhà nước Venezuela (PDVSA) để tiếp tục hiện diện trong tương lai ở quốc gia Mỹ Latin này. Tuần trước, Mỹ cũng bất ngờ đồng ý để hai công ty Italy và Tây Ban Nha có liên doanh với PDVSA vận chuyển dầu Venezuela tới châu Âu ngay trong tháng 7 để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bao gồm lệnh cấm vận dầu.
Quan hệ Mỹ-Venezuela vốn rất căng thẳng từ năm 2019 với việc Washington dẫn đầu nhóm gần 60 quốc gia công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Đặc biệt, lệnh trừng phạt của Mỹ đã đóng băng hàng tỷ USD của Venezuela ở nước ngoài cũng như ngăn các giao dịch dầu thô, vốn chiếm tới 96% nguồn thu của quốc gia Nam Mỹ, qua đó gây kiệt quệ nền kinh tế và đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng sâu sắc với nhiều hệ lụy.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, chính quyền Washington đang hướng đến một cách tiếp cận mềm mỏng hơn, trong đó có thể kể đến việc không còn đề cập tới những đòi hỏi dưới thời của người tiền nhiệm Donald Trump như yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro từ chức, thành lập một chính phủ song song hoặc đe dọa can thiệp, đồng thời chấp nhận việc đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các bên đối lập. Đây là sự điều chỉnh đáng kể quan điểm của Mỹ đối với Venezuela.
VĂN HIẾU