Theo hãng thông tấn Yonhap, bà Linda Specht, cố vấn cấp cao và nhà đàm phán hàng đầu về các thỏa thuận an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của phía Mỹ, tiết lộ thông tin nói trên sau vòng đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn hai nước tại thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ. Vòng đàm phán này nhằm xác định Hàn Quốc phải chi trả bao nhiêu cho việc duy trì hoạt động của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, vốn được coi là trụ cột quan trọng trong năng lực phòng thủ chung của hai nước.

“Mỹ và Hàn Quốc đã vạch ra tầm nhìn của mỗi bên về SMA mới. Cam kết tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ kết hợp của chúng tôi cho thấy sức sống lâu dài của liên minh Mỹ-Hàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn bất cứ khi nào cần để duy trì và thúc đẩy hơn nữa quan hệ đồng minh theo SMA mới”, bà Specht khẳng định trong một thông báo, song không đề cập chi tiết về tầm nhìn mà hai nước đã đưa ra.

leftcenterrightdel
Binh sĩ, phương tiện quân sự của Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc diễn tập vượt sông, tháng 3-2023. Ảnh: Yonhap 

Trước khi cuộc đàm phán diễn ra, bà Specht nói rằng Mỹ muốn đạt được kết quả bình đẳng và công bằng trong quá trình đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề chia sẻ chi phí. Trong khi đó, ông Lee Tae-woo, một nhà ngoại giao cấp cao và hiện là trưởng đoàn đàm phán của phía Hàn Quốc, khẳng định Seoul sẽ nỗ lực nhằm thống nhất được mức chia sẻ chi phí hợp lý trong thỏa thuận mới.

Theo Yonhap, kể từ năm 1991, Hàn Quốc đã chia sẻ một phần chi phí cho việc duy trì hoạt động của các lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này, trong đó có chi phí thuê nhân công, xây dựng các cơ sở quân sự, huấn luyện, đào tạo, hoạt động, thông tin liên lạc và hậu cần. Hiện có hơn 28.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Tờ The Korea Times dẫn số liệu từ cơ quan kiểm toán của Chính phủ Mỹ cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi khoảng 13,4 tỷ USD tại Hàn Quốc, bao gồm tiền lương cho các binh sĩ, xây dựng hạ tầng..., trong khi phía Hàn Quốc hỗ trợ 5,8 tỷ USD cho việc duy trì sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại nước này.

Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, tháng 4-2021, hai bên đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt, theo đó Hàn Quốc đồng ý tăng 13,9% mức đóng góp so với năm 2019. Từ đó đến nay, mỗi năm Seoul hỗ trợ Washington khoảng 920 triệu USD.

Khi còn nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng và đòi Hàn Quốc tăng mức đóng góp lên 5 tỷ USD/năm. Chính vì vậy, truyền thông Hàn Quốc cho rằng mục đích của vòng đàm phán vừa qua tại Honolulu là đạt được thỏa thuận mới trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024, do lo ngại khả năng ông Trump tái đắc cử.

Theo lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, các cuộc đàm phán đang diễn ra đúng tiến độ, nhưng Washington không coi tháng 11 là thời hạn chót phải đạt được thỏa thuận mới.

Thỏa thuận hiện có giữa hai nước về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2025.

ANH VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.