Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20-10 đưa tin, Viện Hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) một ngày trước đó. Đây là vụ thử tên lửa thứ 8 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm tới nay.

Theo KCNA, SLBM kiểu mới được phóng từ tàu ngầm “8.24 Yongung”. Nguồn tin trên khẳng định, SLBM mới với công nghệ dẫn đường hiện đại sẽ đóng góp lớn vào việc đưa công nghệ quốc phòng của Triều Tiên lên tầm cao mới, đồng thời củng cố năng lực hoạt động của hải quân nước này.

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 19-10 trên kênh truyền hình YTN. Ảnh: SIPA. 

Phản ứng trước vụ phóng tên lửa trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ vẫn sẵn sàng can dự trong vấn đề ngoại giao với Triều Tiên, đồng thời cho rằng việc nước này liên tục thử tên lửa gần đây đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết xúc tiến đối thoại và thúc đẩy ngoại giao với quốc gia Đông Bắc Á này. 

Bà Psaki khẳng định, Mỹ vẫn duy trì các đề xuất gặp đại diện của Triều Tiên ở bất cứ thời gian, địa điểm nào và vô điều kiện. Bà kêu gọi Triều Tiên tham gia cuộc đối thoại bền vững và thực chất, đồng thời cho biết Washington đang tham vấn các nước đồng minh về tình hình hiện nay. 

Đồng quan điểm với Mỹ, một quan chức cấp cao Hàn Quốc giấu tên cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã nhấn mạnh đến nhu cầu xúc tiến đối thoại giữa các bên liên quan. Theo quan chức này, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều quan ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng hành động này của Bình Nhưỡng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của 3 nước trên nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Theo AP, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

Trong một tuyên bố gần đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh, Washington vẫn chuẩn bị gặp giới chức Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết và đang đợi phản hồi của Bình Nhưỡng đối với “các đề nghị cụ thể”.

“Washington vẫn cho rằng, ngoại giao, trong đó có ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên là phương thức hiệu quả nhất để đáp ứng mục tiêu chính sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, ông Price nhấn mạnh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Mỹ sẽ giảm nhẹ trừng phạt theo yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được thực hiện vào thời điểm Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines và người đồng cấp Nhật Bản Hiroaki Takizawa đang có mặt ở Seoul để tiến hành cuộc họp 3 bên với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won.

Theo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, tại cuộc họp, lãnh đạo cơ quan tình báo của 3 nước đã thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tình hình an ninh xung quanh bán đảo Triều Tiên. Các bên cũng chia sẻ thông tin về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và đánh giá tình hình. Lần gần nhất, các lãnh đạo ngành tình báo của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhóm họp là vào tháng 5 vừa qua, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

BÌNH NGUYÊN