Theo CNN, giới phân tích đánh giá đường quay lại TPP của Mỹ sẽ rất khó khăn và cơ hội cho việc này rất ít bởi các thành viên không muốn đàm phán lại.

Trong một tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ không dễ dàng trở lại TPP, đó là một số thành viên chủ chốt trong hiệp định bao gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand đã có phản ứng không mấy nhiệt tình với ý định muốn quay lại hiệp định của Tổng thống Donald Trump mới đây. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi CPTPP nhằm chiều ý ông Donald Trump đều sẽ gặp khó khăn. Theo ông, rất khó bóc tách từng phần của hiệp định này ra để đàm phán lại. Vì CPTPP là một hiệp định được cân bằng tốt để giải quyết kỹ lưỡng tất cả nhu cầu của 11 thành viên. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko cũng cảnh báo rất khó để đàm phán lại hoặc thay đổi một số phần của hiệp định này. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản là quốc gia có vai trò hàng đầu trong duy trì và thúc đẩy hiệp định TPP để có được CPTPP như hiện nay.

Đại diện 11 nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8-3. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Thương mại Australia, ông Steven Ciobo thì lo ngại mọi thứ sẽ bị xáo trộn nếu nhân nhượng Mỹ. Ông cho biết, 11 nước thành viên hiện nay không sẵn sàng đàm phán lại các nội dung quan trọng của CPTPP. Vả lại, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là thúc đẩy hiệu lực thực thi của hiệp định. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng: “Nếu Mỹ thực sự muốn tái gia nhập, các nước sẽ phải kích hoạt một quy trình đàm phán mới. Chen vào giữa một hiệp định đang tồn tại không phải là điều đơn giản”.

Hơn nữa, so với thời kỳ đầu mới đàm phán hiệp định dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vị thế của Washington trong TPP được đánh giá là đã yếu đi nhiều. Theo ông Edward Alden, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR), chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đã có tiếng nói lớn hơn nhiều nếu quyết tâm tái đàm phán ngay từ khi ông Donald Trump vừa bắt đầu nhiệm kỳ. Trong hiệp định ban đầu, Mỹ đã thành công khi đưa vào đó điều khoản theo ý mình, chẳng hạn như điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù cũng không dễ dàng gì. Mỹ từng phải nhượng bộ rút thời gian bảo vệ bản quyền đối với các loại dược phẩm được sản xuất bằng công nghệ sinh học từ 12 năm xuống còn 8 năm vì bị Australia phản đối. Nhưng sau khi Mỹ rút khỏi, các điều khoản kiểu này đã bị đình chỉ trong phiên bản mới do 11 nước thành viên đạt được. Việc đưa trở lại hiệp định những điều khoản đã bị đóng băng này là không dễ dàng, bởi 11 nước thành viên sẽ không dễ chấp thuận.

Tuy nhiên, theo bà Deborah Elms, Giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore, nếu Mỹ chấp thuận tăng mở cửa thị trường thì các nước thành viên còn lại sẽ sẵn sàng làm điều này. Nhưng nếu chính quyền Mỹ đòi hỏi nhiều thay đổi hơn nữa, các nước khác khó lòng chấp nhận. Bà Deborah cho biết, các thành viên ban đầu phải mất tới 5 năm đàm phán ròng rã mới có được TPP, vậy mà Mỹ đã rút khỏi vào thời khắc quan trọng. Sau đó, các nước phải mất thêm cả năm trời để sửa đổi hiệp định cho phù hợp với 11 nước còn lại. Vì thế, chẳng ai còn hào hứng với việc xem xét lại các yêu cầu mới mà Mỹ đưa ra.

Đáng chú ý, các nước còn tỏ ra lo ngại về tính xác thực cũng như mức độ tin cậy việc Mỹ muốn quay lại TPP. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker đều có chung mối lo ngại trước việc Tổng thống Donald Trump hay thay đổi quyết định.

Trong khi các nước thành viên CPTPP không mấy mặn mà với khả năng đàm phán lại, Tổng thống Donald Trump lại luôn khẳng định Mỹ sẽ chỉ tái gia nhập hiệp định nếu CPTPP được cải thiện đáng kể so với phiên bản dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Chẳng hạn, Mỹ muốn siết chặt các quy định về tỷ lệ “nội địa hóa” của các sản phẩm tại các nước thành viên hiệp định.

Giới phân tích cho rằng ông Donald Trump có thể tiếp cận bằng cách đồng ý phiên bản hiện tại, rồi ký hiệp định song phương với từng thành viên. Chẳng hạn như Mỹ có thể đàm phán ký thỏa thuận về mua bán ô tô với Nhật. Ngoài ra, theo cựu chuyên gia đàm phán Nhật Bản Yorizumi Watanabe, nếu quay lại TPP, Mỹ có thể yêu cầu Nhật Bản dỡ bỏ thuế đối với sản phẩm lúa gạo, một đòi hỏi mà các thành viên của TPP ban đầu quyết định bác bỏ để chiều ý Nhật Bản.

Về nội bộ, để quay lại được TPP, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ phải vượt qua “cửa ải” quốc hội được cho là không dễ dàng. Chính quyền của ông khó mà đạt được thỏa thuận với các nước thành viên CPTPP kịp thời để đưa ra bỏ phiếu trước thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 này. Nhất là trong trường hợp nếu Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 11 tới, khả năng họ cho phép Mỹ trở lại TPP gần như bằng không, theo ông Edward Alden. Ông Edward Alden đánh giá “cơ hội trở lại TPP của Mỹ đã qua rồi”.

XUÂN PHONG