Larry Colburn đã mất nhưng câu chuyện về người đàn ông chính trực này sẽ còn lại với thời gian. Lần đầu gặp Larry vào một ngày tháng 3 năm 2008, tôi chưa biết ông là ai và ông chẳng để lại ấn tượng gì ngoài dáng dấp lực điền và nụ cười lương thiện. Cả chặng đường từ Hà Nội vào Quảng Ngãi, Larry cũng ít nói, không kể gì nhiều. Tôi chỉ biết câu chuyện của ông vì cũng may bạn đồng hành còn có Michael Bilton, một nhà làm phim, một tay viết phóng sự điều tra gạo cội của tờ Sunday Times có tòa soạn tại London, Anh.
Larry Colburn gặp một người dân Sơn Mỹ năm 2008.
Thoạt đầu, Michael Bilton kể về việc tới Việt Nam năm 1988 để làm bộ phim tài liệu Remember My Lai? (tạm dịch: Có nhớ Mỹ Lai?). Theo Michael Bilton, bộ phim là cột mốc trong sự nghiệp của ông và mang tới cho ông những người bạn mới. "Có nhớ Mỹ Lai?" được đài PBS phát sóng năm 1989, đã làm rúng động nước Mỹ khi đào sâu, làm rõ một trong những tội ác ghê rợn nhất do quân đội Mỹ gây ra tại Việt Nam. Chỉ sang Larry Colburn, Michael Bilton nói: Đó là một nhân vật quan trọng của bộ phim đấy.
Larry Colburn có lẽ là một trong những người Mỹ đến Sơn Mỹ nhiều lần nhất. Sinh năm 1950, 18 tuổi, Larry Colburn sang Việt Nam, trở thành xạ thủ súng máy trong quân đội Mỹ. Bước ngoặt trong cuộc đời Larry Colburn diễn ra vào ngày 16-3-1968. Sáng hôm đó, tổ bay chiến đấu gồm phi công Hugh Thompson và hai xạ thủ Larry Colburn và Glenn Andreotta thực hiện việc tuần tra trên vùng trời Sơn Mỹ như thường lệ. Đột ngột họ được thông báo có giao tranh ác liệt ở dưới đất và bay tới. “Chúng tôi cứ nghĩ là có đọ súng quyết liệt giữa binh sĩ Mỹ và bộ đội Việt Nam. Nhưng thật lạ là ngoài phụ nữ và trẻ em, chúng tôi không phát hiện thấy bóng dáng ai có vẻ là bộ đội Việt Nam cả nên bay đi. Một lúc sau, khi vòng lại và nhìn thấy rất nhiều xác dân thường nằm trên đường, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy có điều gì không ổn ở đây rồi”, Larry Colburn nhớ lại. Hạ thấp độ cao, Hugh Thompson, Larry Colburn và Glenn Andreotta nhìn thấy một đại úy Mỹ đá vào đầu một phụ nữ bị thương. Rồi tên này chĩa súng bắn thẳng vào đầu người phụ nữ. Hugh Thompson quyết định hạ cánh và phát hiện ra một viên trung úy khác đang định dùng lựu đạn giết một số phụ nữ và trẻ em bị thương đang sợ hãi nấp ở dưới một căn hầm. “Thompson vô cùng giận dữ. Anh quay lại hỏi tôi và Glenn Andreotta: Các anh có theo tôi không? Chúng tôi trả lời: Có. Trước khi ra khỏi máy bay, Thompson bảo tôi và Glenn Andreotta hãy nã đạn vào bất cứ quân nhân Mỹ nào bắn mấy người dân thường và anh ta”, Larry Colburn hồi tưởng. Hugh Thompson tiến đến phía viên trung úy và yêu cầu được đưa những người trong hầm đi. Viên phi công dọa tên trung úy và đám lính rằng, nếu manh động thì trung liên trên trực thăng sẽ nhả đạn. Đám lính buộc phải để Hugh Thompson gọi hai trực thăng khác bay tới mang 11 người Việt Nam bị thương đi cấp cứu. Sau khi cứu thêm một cậu bé bị thương lồm cồm bò dưới mương có hơn trăm xác chết, Hugh Thompson, Larry Colburn và Glenn Andreotta bay về căn cứ và phản ứng quyết liệt với cấp trên. “Lúc đó, chúng tôi hành động như vậy vì chúng tôi là con người. Chúng tôi có nhân tính và không thể chấp nhận được hành động tội ác hệt cầm thú như thế”, Larry Colburn nói khi tôi hỏi động cơ nào khiến nhóm của ông làm như vậy.
Ba tuần sau vụ thảm sát, Glenn Andreotta đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng trong khi chỉ huy của Hugh Thompson, Larry Colburn cố dìm vụ thảm sát đi. Sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai bị phanh phui trên báo chí Mỹ, Hugh Thompson, Larry Colburn đã ra làm chứng, nêu rõ những gì đã chứng kiến trước một ủy ban điều tra của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, cuộc điều tra đã không đưa đến một bản án thích đáng cho những kẻ thủ ác. Rời Việt Nam, Hugh Thompson và Larry Colburn trở lại cuộc sống thường nhật ở Mỹ. Hugh Thompson ở bang Louisiana còn Larry Colburn ở bang Georgia. Suốt 16 năm, hai người đàn ông đã cố gắng nhưng không liên hệ được với nhau. Cho đến năm 1988, đoàn làm phim "Có nhớ Mỹ Lai?" của Michael Bilton đã tìm được địa chỉ của cả hai. Michael Bilton đã tổ chức một cuộc gặp gỡ đầy xúc động và dành nhiều ngày trò chuyện với Hugh Thompson và Larry Colburn về Mỹ Lai và từ đó hai cựu binh Mỹ đã trở thành bạn thân của nhà báo người Anh. Kể từ năm 1998, Hugh Thompson và Larry Colburn đã nhiều lần trở lại Sơn Mỹ với mong mỏi có những đóng góp, dù nhỏ bé, để mảnh đất từng chịu nhiều đau thương này hồi sinh. Năm 2006, Hugh Thompson đã qua đời vì căn bệnh ung thư. “Cho đến lúc hấp hối hồi năm 2006, Thompson vẫn nói với tôi: Ước gì ngày đó chúng ta cứu được nhiều người hơn”, Larry Colburn kể. Năm 2009, Larry Colburn đã đứng ra thành lập Hugh Thompson Foundation, nhằm gây quỹ hỗ trợ Sơn Mỹ và những vùng khó khăn nhất của Việt Nam phát triển. Thường xuyên thư từ, nhưng do công việc, sau khi hoàn thành bộ phim và viết xong cuốn sách "4 hours in My Lai" (4 giờ ở Mỹ Lai), Michael Bilton không có nhiều cơ hội gặp những người bạn Mỹ. Năm 2008, trong một dịp hiếm có, Michael Bilton và Larry Colburn đã cùng trở lại Sơn Mỹ khi tham gia cùng một đoàn làm phim của Pháp về vụ thảm sát Mỹ Lai. Và cũng trong chính chuyến đi đó, Michael Bilton từng nói với tôi rằng, chúng ta luôn phải nhớ đến Sơn Mỹ. Cũng dễ hiểu thôi, tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ không phải để nuôi lòng hận thù mà để nhắc nhở thế giới đừng bao giờ quên những tội ác như ở Sơn Mỹ, đừng để bất cứ một Sơn Mỹ nào lặp lại trên trái đất này.
Và giờ đây, nhớ tới Larry Colburn là nhớ tới một con người tiêu biểu của lương tri và thiện ý.
Trên tấm bia đá lớn màu đen đặt giữa phòng trưng bày hiện vật ở khu chứng tích Sơn Mỹ có khắc 504 cái tên. Nam có, nữ có. Có người 60 tuổi, có người 70 tuổi. Và có tổng cộng 142 trẻ em dưới 10 tuổi. Tất cả những người này vô cớ bị lính Mỹ giết hại một cách man rợ vào ngày 16-3-1968. Sơn Mỹ có bãi biển Mỹ Khê đẹp nổi tiếng. Từ năm 1945, xã có tên là Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Nhưng ở thời điểm xảy ra vụ thảm sát, ngụy quyền Sài Gòn gọi xã là Sơn Mỹ (sau năm 1975, xã lại mang tên cũ là Tịnh Khê). Trên bản đồ tác chiến của lính Mỹ lại ghi là “My Lai”, tên của một thôn ở Sơn Mỹ: thôn Mỹ Lại. Từ đó Sơn Mỹ hay Mỹ Lai được nhắc đến đồng nghĩa với vụ thảm sát. |
Bài và ảnh: BẢO TRUNG