Theo BBC, trong suốt 6 năm qua, Penson Mlotshwa luôn mang theo một khẩu súng bên mình khi đi tới bất cứ đâu trên thành phố Johannesburg của Nam Phi, dù là đi mua sắm, đi ăn nhà hàng hay tới phòng tập gym. Giải thích về điều này, anh chia sẻ: “Tôi không phải là thầy bói. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được khi nào mình sẽ bị tấn công. Thật đáng tiếc là tôi đã nhiều lần phải dùng súng để bảo vệ bản thân”.

Tương tự, Lynette Oxley, một công dân khác ở Johannesburg, cũng cho rằng sở hữu súng là cách để có thể đối mặt trực tiếp với những mối nguy hiểm. Người phụ nữ 57 tuổi này hiện sở hữu tới 12 khẩu súng. Bà nói: “Tôi thà mua một khẩu súng mới còn hơn mua một đôi giày”.

Oxley thậm chí còn đưa ra sáng kiến đào tạo phụ nữ cách sử dụng súng để họ có thể tự bảo vệ mình. Tổ chức “Girls on Fire” của bà chủ yếu giúp những phụ nữ từng bị hãm hiếp, tấn công, cướp hoặc là nạn nhân của các hành vi bạo lực.

Ngày càng có nhiều phụ nữ ở Nam Phi tìm cách sở hữu súng để bảo vệ bản thân. Ảnh: BBC 

Những người có chung quan điểm với hai nhân vật nói trên ngày càng nhiều, nhất là khi Nam Phi đang chứng kiến tình trạng phạm tội lên tới mức kỷ lục. Nói cách khác, sở hữu một khẩu súng hiện là lựa chọn của nhiều người dân Nam Phi nhằm “lấp đầy khoảng trống về an ninh” và bảo vệ an toàn cho chính mình.

Luật pháp của Nam Phi nêu rõ hầu hết những người có giấy phép sở hữu súng có thể mang súng theo người một cách kín đáo. Kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Gun Free South Africa (GFSA) thực hiện năm 2021 cho thấy, tại Nam Phi có hơn 2,7 triệu chủ sở hữu súng hợp pháp, tương đương khoảng 8% dân số trưởng thành của nước này. Khi tỷ lệ tội phạm giết người ở Nam Phi cao nhất trong vòng 20 năm qua, sở hữu súng cũng trở thành giải pháp mà nhiều người hướng tới.

Bà Adele Kirsten, Giám đốc của GFSA bày tỏ lo ngại không chỉ vì tình trạng tội phạm gia tăng ở Nam Phi mà bản chất của bạo lực súng đạn ở nước này cũng đang thay đổi. Năm ngoái, cả đất nước Nam Phi rúng động khi 10 thành viên trong cùng một gia đình bị sát hại ngay tại nhà riêng ở gần thành phố Pietermaritzburg, trong đó nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới 13 tuổi.

Nhiều người thực hiện các hành vi phạm tội bởi các loại súng trái phép và vụ việc liên quan đến cựu sĩ quan cảnh sát Christiaan Prinsloo cho thấy nhiều khẩu súng như vậy có nguồn gốc từ chính lực lượng cảnh sát. Từ năm 2007 đến 2025, Prinsloo đã bán khoảng 2.000 khẩu súng cho các băng đảng tội phạm và những khẩu súng này có liên quan tới hơn 1.000 vụ giết người, dẫn tới cái chết của 89 trẻ em.

Tại Nam Phi, những người muốn có giấy phép sử dụng súng phải trên 21 tuổi và trải qua khóa đào tạo chuyên sâu về súng cùng nhiều bài kiểm tra, đồng thời chứng minh được năng lực về tinh thần. Nhìn chung, đây là quá trình rất tốn thời gian. Bất chấp điều đó, theo kết quả cuộc điều tra của trang tin News24 (Nam Phi), chỉ riêng trong thập kỷ qua, số đơn xin cấp giấy phép sử dụng súng ở nước này đã tăng gấp 4 lần.

Là người ủng hộ việc giảm súng đạn trên đường phố, bà Kirsten cho rằng con số nói trên là mối lo ngại lớn. Bởi, khi số lượng súng trong cộng đồng giảm thì số ca tử vong vì súng cũng sẽ giảm.

Bên cạnh đó, bộ mặt của văn hóa súng đạn ở Nam Phi dường như cũng đã thay đổi. Nếu như trước đây, đối tượng sở hữu súng đa số là nam giới thì gần đây, phụ nữ cũng có xu hướng dùng súng nhiều hơn. Theo báo cáo do bộ phận nghiên cứu và chính sách thuộc Ban thư ký dân sự của lực lượng cảnh sát Nam Phi thực hiện, năm 2014, phụ nữ chiếm tới 19% chủ sở hữu súng ở Nam Phi.

Thực tế cũng cho thấy ngày càng có nhiều người dân Nam Phi tìm đến các công ty an ninh tư nhân để được bảo vệ trước tình trạng bạo lực gia tăng. Xuất phát từ nhu cầu đó, chỉ trong vòng một thập kỷ qua, số công ty an ninh tư nhân ở Nam Phi đã tăng hơn 40%.

TRUNG DŨNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.