Trong bài viết mới đây, CNN cho biết trẻ em Syria đang là nạn nhân của tình trạng xung đột vũ trang leo thang mới nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 9 năm qua tại quốc gia Trung Đông này khi thường dân Syria phải đối mặt với một lựa chọn “ảm đạm”: Hoặc là trốn chạy để sống lay lắt trong các trại tị nạn tạm bợ chật kín người, hoặc là ở lại chờ tử thần “gọi tên” vì bom rơi đạn lạc.
Chưa có tiền lệ
CNN dẫn lời Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết cuộc khủng hoảng tại khu vực Tây Bắc Syria đang trở thành “cuộc khủng hoảng bảo vệ trẻ em” với quy mô chưa từng có. Tình hình bạo lực buộc 6.500 trẻ em phải trốn chạy mỗi ngày. Theo ước tính của UNICEF, có hơn 300.000 người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ tháng 12-2019 cho đến nay và có đến 1,2 triệu trẻ em Syria đang cần được giúp đỡ khẩn cấp. Mohammad chính là một trong những đứa trẻ như vậy.
Mohammad, 11 tuổi, rất thích học hành và có ước mơ sau này lớn lên làm thầy giáo. Cậu bé buộc phải cùng gia đình chạy đi lánh nạn sau khi ngôi nhà của họ tại thị trấn Saraqib ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, bị trúng bom. Giờ đây, cậu bé và gia đình đang phải sống trong điều kiện nhếch nhác trên một cánh đồng toàn bùn đất, rác thải và hầu như không có nước sạch. Mohammad và bạn bè thường chơi đùa trong những vũng nước bẩn để giết thời gian. Mohammad chia sẻ với CNN rằng nếu có một cây đũa thần, cậu bé sẽ sử dụng nó để làm thay đổi thực tại của mình, như xử lý nước thải, sửa lều trại và thậm chí là chấm dứt giao tranh.
 |
Những đứa trẻ mang theo can để lấy nước ở trại tị nạn Washukanni, Đông Bắc Syria. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, mọi thứ ở Tây Bắc Syria đều thiếu thốn, từ thực phẩm, nước uống cho đến thuốc men. Một số gia đình tìm thấy nơi tá túc tại trường học hoặc các thánh đường Hồi giáo. Trong khi đó, những người khác lánh nạn trong những tòa nhà còn đang xây dựng dang dở. “Nhiều người phải sống ngoài trời, như tại công viên chẳng hạn, cho dù trời mưa lớn hay thời tiết giá lạnh. Việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất như y tế, nước sạch hay vệ sinh là rất hạn chế hoặc không hề tồn tại”, bà Henrietta Fore nhấn mạnh.
Ngồi bên ngoài một chiếc lều phủ tấm bạt xanh trong một trại tị nạn ở Tây Bắc Syria, bà Khadija Um Mohammad cho biết, khi bom rơi trúng ngôi nhà của bà, những gì bà dành dụm cả đời coi như đã tiêu tan. “Hãy nhìn nơi chúng tôi đang ở hiện nay mà xem, chúng tôi chẳng có gì. Tôi thậm chí còn không có tiền để mua bánh mì”, người phụ nữ 60 tuổi chia sẻ.
CNN dẫn lời ông Fuad Issa, người sáng lập tổ chức cứu trợ nhân đạo Violet tại tỉnh Idlib, nhận định tình hình nhân đạo ở đây vốn đã rất nghiêm trọng và bạo lực gia tăng càng khiến tình hình thêm trầm trọng. “Lần này, điều khác biệt có chăng đó là những nơi mà người dân đang chạy tới lánh nạn đều đã quá tải. Cùng lúc xuất hiện những làn sóng chạy nạn từ nhiều khu vực khác nhau”, ông Fuad Issa cho biết.
"Thành phố ma"
Xung đột leo thang kéo theo dòng người chạy nạn gia tăng, để lại những khu vực vắng bóng người, bị bỏ hoang. Maarat al-Numan, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Idlib chính là một thành phố như vậy.
Trong một bài viết gần đây, Tân Hoa xã đã gọi Maarat al-Numan là một "thành phố ma". Trong một chuyến đi do Bộ Thông tin Syria tổ chức, phóng viên Tân Hoa xã đã thấy những vết sẹo chiến tranh hằn rõ trong thành phố. Chợ không có người mua, kẻ bán. Có những ngôi nhà không còn tường hoặc trần trong khi một số tòa nhà thì cả tường và trần đều biến mất, chỉ còn trơ lại cầu thang. Một số tòa nhà chỉ còn là những đống đổ nát.
Một binh lính Syria tên là Muhammad Basmeh bày tỏ vui mừng vì đã tham gia cùng lực lượng chính phủ giải phóng Maarat al-Numan khỏi tay phe nổi dậy và mong ước cư dân thành phố sẽ sớm trở về nhà. Bản thân Muhammad Basmeh cũng từng phải nếm trải nỗi đau khi gia đình mình trốn chạy giao tranh ở ngoại ô tỉnh Latakia, Tây Bắc Syria hồi năm 2013. Với Muhammad Basmeh, mất nhà cửa là một trong những điều khổ cực nhất mà người dân Syria phải chịu đựng trong cơn khủng hoảng. “Maarat al-Numan là một ví dụ về những khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Syria, không cư dân sinh sống, chỉ còn lại những vết sẹo chiến tranh và tiếng đạn pháo vang vọng từ xa. Cuộc chiến ấy đã ảnh hưởng nặng nề tới tất cả mọi người liên quan”, Tân Hoa xã nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ