Người dân Hàn Quốc biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Xơ-un yêu cầu Mỹ đàm phán với Ta-li-ban để trả tự do cho các con tin. Ảnh: Roi-tơ
Thêm một thời hạn chót mà Ta-li-ban đưa ra đã trôi qua và số phận của 21 con tin Hàn Quốc còn lại vẫn đang treo lơ lửng khi những kẻ bắt cóc không hề tỏ ý khoan nhượng. Những nỗ lực ngoại giao vẫn đang được tiếp tục trong khi tại Hàn Quốc, người thân của họ chờ đợi trong kiệt quệ vì đau khổ. Những lời khẩn cầu không ngừng được cất lên trong nỗi thắc thỏm gai người...

Tận cùng đau khổ

Kiệt sức, thiếu ngủ, lo lắng…, đó là những gì mà anh Ry-u Heng-xích đang phải trải qua. Tại khu ngoại ô ở Xơ-un, anh phải chăm sóc hai con gái nhỏ trong khi đợi chờ tin tức về người vợ đang bị phiến quân Ta-li-ban bắt cóc tại Áp-ga-ni-xtan. Cùng với những thông tin rằng con tin thứ hai là Sim Sung-min đã bị Ta-li-ban hành quyết, sự căng thẳng lộ rõ trên khuôn mặt Ry-u và những người thân khác của 23 con tin Hàn Quốc, trong đó có 18 người là phụ nữ.

Trả lời phỏng vấn Roi-tơ, Ry-u buồn bã: “Trái tim tôi đang bị xé nát. Tôi có cảm giác như mình đang sống trong địa ngục. Giờ đây ăn hay ngủ đối với tôi đều là tội lỗi. Tôi cầu mong vụ bắt cóc tồi tệ này sẽ chấm dứt”. Ry-u tâm sự rằng Kim Run-dông, vợ anh, là một người yêu thích việc dạy học cho trẻ con. Đó chính là lý do Kim cùng 22 tình nguyện viên khác từ nhà thờ Xa-em-mun, ngoại ô Nam Xơ-un, lên đường tới Áp-ga-ni-xtan.

Tại Xơ-un, gia đình của nạn nhân thứ hai Sim Xung-min đang trải qua những giây phút đau khổ cùng cực. Cha của Xung-min hồi tưởng: “Con trai tôi hào hiệp và nhân hậu. Xung-min coi nguyên tắc trong cuộc đời là giúp đỡ những người nghèo khó và bệnh tật”. Anh trai của Sim Xung-min cho biết vợ Sim đã suy sụp hoàn toàn khi nghe tin người chồng thân yêu đã bị Ta-li-ban giết hại.

Các thành viên gia đình con tin Hàn Quốc với đôi mắt đỏ vì khóc và thiếu ngủ đã tập hợp bên nhau 12 ngày qua. Họ cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ những bữa ăn và theo dõi các chương trình thời sự trên truyền hình trong những căn phòng không cửa ở nhà thờ Xa-em-mun. Seo Chung-bê có hai người con, một nữ y tá và một thợ cắt tóc nam, đang nằm trong số những con tin bị Ta-li-ban bắt giữ. Seo cầu xin Ta-li-ban: “Các con tôi không tới Áp-ga-ni-xtan để chiến đấu. Bởi vậy, xin đừng để có thêm một sự hy sinh nào nữa. Tôi không thể cứu chúng. Hãy trả những đứa con cho tôi để tôi có thể ôm chúng trong vòng tay”.

Chê Mi-xúc, người có anh trai đang bị bắt giữ tại Áp-ga-ni-xtan, cho biết anh cô là một người đã dành phần lớn thời gian và tiền bạc cho các hoạt động từ thiện. “Thật đau lòng khi biết được những đòi hỏi của Ta-li-ban và việc bọn chúng đẩy mạng sống của những người vô tội vào thế hiểm nguy. Tất cả chúng ta đều là con người”, Chê bức xúc.

Tính tới thời điểm này, hơn 2 tuần sau khi vụ bắt cóc diễn ra tại Nam Ca-bun, Ta-li-ban đã giết hại 2 con tin nam giới một cách dã man và đe dọa sẽ tiếp tục giết thêm con tin thứ ba nếu đòi hỏi của chúng không được đáp ứng. Chính phủ Hàn Quốc đang chịu sức ép của dư luận trong nước bằng mọi giá phải đưa các con tin về nước. Tuy nhiên, Xơ-un cũng mắc kẹt trước việc Chính phủ Áp-ga-ni-xtan kiên quyết bác bỏ việc trả tự do cho những tù nhân Ta-li-ban để đổi lấy các con tin Hàn Quốc. Dư luận đang hướng đến Mỹ, nước có nhiều ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan hiện nay.

Số phận con tin phụ thuộc vào Mỹ?

Theo đánh giá của một số chuyên gia và báo chí Hàn Quốc, Mỹ mới chính là nước nắm giữ số phận của 21 con tin còn lại hiện đang bị Ta-li-ban bắt giữ. Nếu Oa-sinh-tơn không có thái độ im lặng thì có lẽ hai con tin người Hàn Quốc đã không phải đền mạng. “Ảnh hưởng của Mỹ đối với chính quyền Áp-ga-ni-xtan là rất quan trọng. Mỹ có thể đóng vai trò cần thiết trong việc trao đổi con tin Hàn Quốc với tù nhân Ta-li-ban”, Kim Uôn-ung, một nghị sĩ cao cấp của đảng thân chính quyền U-ri, nói.

Ông Kim Chin Thê, người đứng đầu Viện nghiên cứu khủng bố Hàn Quốc cũng cho rằng quyết định thả các tù nhân của Ta-li-ban hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ. Ông Kim cũng dự đoán rằng nếu Mỹ vẫn tiếp tục im lặng trước yêu cầu của Ta-li-ban thì rất có khả năng một con tin Hàn Quốc nữa sẽ bị giết. Trước đó, kế sách đàm phán dùng cựu thành viên Ta-li-ban hiện đang làm việc cho chính phủ Áp-ga-ni-xtan làm trung gian đã thất bại hoàn toàn. Ta-li-ban từ chối đàm phán với chính phủ được Mỹ hậu thuẫn của Tổng thống Ca-dai, bởi “Ta-li-ban không tin vào chính phủ Áp-ga-ni-xtan”. Và chỉ một ngày sau khi chính phủ Áp-ga-ni-xtan kêu gọi thả 18 nữ con tin, Ta-li-ban đã phản ứng lại bằng việc giết thêm một con tin thứ hai. Động thái đó như thể chứng minh cho phán đoán của ông Kim: “Nếu Mỹ chấp nhận yêu cầu trao đổi tù nhân của Ta-li-ban, thì vẫn còn có cơ hội nhỏ cho cuộc đàm phán đang bị gián đoạn”.

Chiều 1-8, thân nhân của 21 con tin Hàn Quốc đã đến sứ quán Mỹ ở thủ đô Xơ-un để chuyển một thông điệp khẩn thiết, yêu cầu Mỹ can thiệp nhằm giải thoát cho các con tin ở Áp-ga-ni-xtan. Kim Kiêng Cha, mẹ của một con tin khẩn khoản: “Chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Mỹ và toàn thế giới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này càng sớm càng tốt. Đặc biệt, gia đình chúng tôi cầu khẩn Mỹ tạm gác các lợi ích chính trị và hỗ trợ một cách tích cực hơn để cứu mạng 21 người vô tội còn lại”. Cũng có khoảng 100 người do quá bức xúc đã tập trung trước sứ quán Mỹ, hô vang khẩu hiệu và giơ cao biểu ngữ kêu gọi Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ có trách nhiệm trong việc can thiệp và thương thuyết với Ta-li-ban, trong đó có cả những lời kêu gọi phản đối chiến tranh và rút quân Hàn Quốc khỏi Áp-ga-ni-xtan. Choi Chin-thê, giám đốc Viện nghiên cứu về khủng bố của Hàn Quốc nhận xét rằng có thể sẽ có một làn sóng bài Mỹ ở xứ sở kim chi, nếu tình trạng của các con tin xấu đi, bởi người Hàn sẽ có cảm giác rằng Mỹ chưa nỗ lực.

Còn Ry-u, trong hy vọng về một kết cục hòa bình, cho biết anh sẽ chờ đợi tại nhà thờ Xa-em-mun cùng các gia đình con tin khác để cầu nguyện. “Chúng tôi là gia đình của họ (các con tin), bởi vậy chúng tôi không thể ngừng hy vọng”, Ry-u nói.

NGỌC HÀ