Tân Hoa xã đưa tin, phát biểu trước phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ngày 24-6 tại Brussels (Bỉ), TTK LHQ nhấn mạnh, châu Âu cần có một chính sách di cư bảo đảm được sự đoàn kết của tất cả các nước trong khu vực. Chia sẻ kinh nghiệm từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Bồ Đào Nha và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), ông Guterres khẳng định sẽ không có quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được thách thức di cư và tị nạn tại châu Âu. “Cần tăng cường hợp tác giữa các nước xuất phát, quá cảnh và điểm đến của người di cư nhằm tạo ra những lộ trình di cư an toàn và có trật tự”, TTK LHQ nhận định.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trước phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu.Ảnh: europa.eu 

Cùng ngày, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra một đề xuất chính thức về các khoản tiền mà không được trì hoãn, nằm trong gói hỗ trợ hơn 5,7 tỷ euro dành cho các quốc gia láng giềng của Syria. Kế hoạch trên là một trong số các biện pháp của EU để Thổ Nhĩ Kỳ duy trì cam kết tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Syria theo như thỏa thuận mà hai bên ký năm 2016.

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu bùng phát do sự gia tăng số lượng người nhập cư chưa từng có đến “lục địa già” trong năm 2015, với nguyên nhân chính bắt nguồn từ hậu quả của những cuộc xung đột gây nên khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội ở các nước Bắc Phi và Trung Đông. Các nước ở vị trí cửa ngõ châu Âu như: Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha phải chứng kiến làn sóng người di cư quá lớn khi chưa kịp có sự chuẩn bị, dẫn đến cảnh hỗn loạn và bất ổn an ninh gia tăng. Trong khi đó, rất nhiều người di cư đã mất mạng vì mạo hiểm vượt biển tìm đường di cư đến “miền đất hứa”.

EU đã cố gắng giảm bớt dòng người di cư bằng cách tìm kiếm thỏa thuận với các nước trung chuyển người di cư như: Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, qua đó phần nào hạn chế được dòng người di cư trái phép. Tuy nhiên, cơ chế này chưa mang tính căn cơ, bao trùm để có thể giải quyết được thách thức và không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, các nước trung chuyển dường như lại sử dụng người di cư như một “con bài” để gây sức ép với EU. Giữa tháng trước, hình ảnh hàng nghìn người bất chấp an toàn tính mạng tràn vào bờ biển ở thành phố Ceuta của Tây Ban Nha trong nỗ lực tìm cách vào châu Âu đã gây rúng động cộng đồng quốc tế. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) đã ghi nhận gần 33.000 lượt người di cư trái phép đến châu Âu, phần lớn trong số họ từ các nước như: Tunisia, Algeria, Bangladesh, Syria...

Mặc dù vấn đề di cư và tị nạn đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng các nước thành viên EU chưa thể tìm được chính sách thống nhất, làm cho “bóng ma” khủng hoảng di cư vốn đã phức tạp lại càng rối ren hơn. Trong nỗ lực mới nhất, vào cuối tháng 9-2020, EC đã đưa ra đề xuất Hiệp ước mới về di cư và cư trú của châu Âu. Trái ngược với đề xuất từ năm 2016, lần này EC loại bỏ hạn ngạch và không đưa ra hình phạt nào cho những nước phản đối. Thay vào đó, EC sẽ cung cấp 10.000 euro/người lớn tị nạn, lấy từ ngân sách của EU, cho các quốc gia sẵn sàng tiếp nhận. Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU cũng đã bắt đầu các cuộc thảo luận về nội dung của kế hoạch cải cách trên. Tuy vậy, tiến trình này vẫn giậm chân tại chỗ.

Thời gian qua, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đã phần nào dịu bớt nhưng vẫn là một thách thức về an ninh, kinh tế, xã hội đối với châu lục. Trong bối cảnh EU đang “oằn mình” khắc phục những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, sự đoàn kết, đồng thuận sẽ là một trong những mấu chốt trước mắt giúp 27 nước thành viên đưa ra hành động phù hợp với thực tiễn để giải quyết bi kịch di cư dai dẳng này.

VĂN HIẾU