Việc Tập đoàn Honda của Nhật Bản quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất duy nhất của hãng tại Swindon, miền Nam nước Anh vào năm 2021 là cú sốc lớn đối với London trong những ngày qua. Được đặt tại Swindon từ hơn 30 năm nay, nhà máy của Honda đã sản xuất số ô tô chiếm 10% lượng ô tô được chế tạo tại Anh. Quyết định này của tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản khiến 3.500 lao động của nhà máy sản xuất và hàng nghìn lao động của những nhà thầu phụ cho Honda trên đất Anh đứng trước nguy cơ mất việc. Ngay sau khi ra thông báo, đại diện Honda đã nhanh chóng giải thích rằng quyết định của hãng không liên quan gì đến Brexit và cho biết kế hoạch của hãng xe là kết quả của việc phải thích ứng với những thay đổi của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ô tô có quan điểm ngược lại. Ông Jim Holder, Giám đốc tạp chí về ô tô What Car? nhận định: “Rõ ràng Brexit có vai trò trong quyết định này, cho dù có thể đó không phải là lý do chính. Khi ra quyết định dài hạn trong ngành ô tô, một chút bất trắc cũng dẫn đến vấn đề lớn”.
 |
Honda sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất tại Swindon, Anh vào năm 2021. Ảnh: AP. |
Kế hoạch của Honda được đưa ra không lâu sau khi một hãng xe khác của Nhật Bản thông báo cắt giảm sản xuất tại Anh. Hãng xe Nissan đã quyết định hủy kế hoạch chế tạo mẫu xe X-Trail SUV mới tại nhà máy ở Sunderland, Đông Bắc nước Anh, bất chấp việc Chính phủ Anh đã đưa ra các bảo đảm về Brexit. Thay vào đó, Nissan sẽ chỉ lắp đặt loại xe X-Trail đời mới tại Sunderland sau khi chế tạo mẫu xe này tại trung tâm sản xuất ở đảo Kyushu (Nhật Bản). Theo Nissan, sự bất ổn liên quan đến quan hệ tương lai giữa Anh và EU hậu Brexit đang khiến hãng này gặp khó khăn trong việc lên các kế hoạch tương lai.
Từ lâu, Anh đã là nơi các hãng ô tô Nhật Bản như Honda, Nissan đặt nhà máy sản xuất ở châu Âu. Theo ông Seiji Sugiura, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo, vào thập niên 1980, các nhà chế tạo ô tô Nhật Bản đã chọn Anh để đặt cơ sở của họ ở châu Âu bởi nước Anh có một môi trường đầu tư thuận lợi, thuận tiện cho việc đưa hàng hóa vào châu lục này. Tuy nhiên, “tình hình hiện nay đã thay đổi, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có tính toán khác”, nhà phân tích Seiji Sugiura nhấn mạnh. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế khẳng định, viễn cảnh Brexit và đặc biệt là Brexit không thỏa thuận đang ám ảnh các nhà đầu tư Nhật Bản tại Anh. Nỗi lo về tương lai chưa rõ ràng buộc giới đầu tư Nhật Bản phải khẩn trương tính đến giải pháp rời bỏ thị trường Anh. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Anh và sử dụng khoảng 140.000 lao động của đảo quốc Sương mù.
Nước Anh đang chứng kiến một cuộc bỏ chạy của các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh cuộc "ly hôn" với EU sắp diễn ra vào ngày 29-3 tới đây. Không chỉ có các hãng ô tô Nhật Bản giảm dần sự hiện diện, các tập đoàn công nghiệp lớn như Toshiba, Hitachi cũng lần lượt cắt giảm hoạt động trong những dự án lớn ở Anh vào thời gian gần đây, với lý do khó khăn tài chính. Ngoài ra, Sony và Panasonic-hai biểu tượng của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản đang chuyển dần trụ sở khỏi Anh sang nước châu Âu khác vì mối lo ngại Brexit. Trong khi đó, Tập đoàn Ford Motor của Mỹ mới đây cũng đề cập tới khả năng di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Anh do Brexit. Được biết, Ford là thương hiệu ô tô bán chạy hàng đầu tại Anh-thị trường lớn thứ ba của Ford. Tập đoàn này có khoảng 13.000 nhân công tại Anh. Thực trạng trên cho thấy Brexit đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài coi nước Anh là mảnh đất đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro. Giới quan sát lo ngại rằng sẽ còn nhiều công ty từng lấy Anh làm “căn cứ” ở châu Âu rất có thể sẽ rút lui khỏi xứ sở Sương mù.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay từ mức 1,7% xuống 1,2% do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng của Brexit. Trong bối cảnh những bế tắc liên quan đến Brexit làm dấy lên lo ngại về một tương lai khó đoán định, nhiều công ty nước ngoài tạm ngưng các kế hoạch, cũng như nhiều chiến lược kinh doanh quan trọng. Do vậy, việc Anh rời khỏi EU có thỏa thuận là điều quan trọng đối với vấn đề tăng trưởng kinh tế không chỉ đối với nước Anh mà còn với cả thế giới.
LÂM ANH