Mỗi sáng đến văn phòng, Sam Gearhard luôn ghé vào cửa hàng Avid Coffee ở thành phố Petaluma, bang California, Mỹ để mua cà phê mang đi. Nhưng thay vì nhận cà phê đựng trong cốc dùng một lần rất đỗi quen thuộc, anh không ngần ngại chọn chiếc cốc nhựa màu tím nổi bật với khẩu hiệu in trên thân “Nhấp môi, Hoàn trả, Lặp lại”. Sau khi sử dụng xong, anh sẽ trả lại cốc tại một thùng thu gom đặt trên đường về nhà. “Uống cà phê nóng mà không bị bỏng tay. Đó là điểm cộng đầu tiên. Không bỏ đi sau mỗi lần dùng. Đó là điểm cộng thứ hai”, The Guardian dẫn lời Gearhard chia sẻ.
|
|
Người dân trả lại cốc dùng nhiều lần tại một điểm thu gom ở thành phố Petaluma, bang California, Mỹ. Ảnh: The Guardian |
Tháng 8 vừa qua, Petaluma trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ phát động chương trình sử dụng cốc dùng nhiều lần nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hạn chế sản phẩm sử dụng một lần. Khoảng 30 doanh nghiệp, từ các cửa hàng bán lẻ như Avid Coffee cho đến những chuỗi cửa hàng như Starbucks và Taco Bell, đã đồng ý tham gia sáng kiến này. Kinh phí dự án được tài trợ từ ngân sách thành phố cũng như đến từ một số tập đoàn và công ty khởi nghiệp tại Mỹ. Chính quyền thành phố cam kết cung cấp cốc được sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Khách hàng nhận đồ uống bằng cốc dùng nhiều lần, rồi có thể trả lại chúng tại 60 điểm đặt rải rác khắp nội đô Petaluma. Một công ty hậu cần đảm nhận thu gom, vệ sinh cốc rồi đưa trở lại cửa hàng. Mỗi cốc đều có mã QR để theo dõi các số liệu liên quan. Đến hết tháng 11 tới đây, chính quyền thành phố sẽ đánh giá tính hiệu quả của chương trình và nghiên cứu mở rộng quy mô.
Chương trình trên đang nhận được hưởng ứng từ giới kinh doanh và người dân tại Petaluma. The Guardian dẫn một khảo sát cho thấy phần lớn người được hỏi đều khẳng định sẽ nghiêng về lựa chọn lui tới mua sắm sản phẩm ở những nơi có cốc dùng nhiều lần. Trong khi đó, các quản lý cửa hàng tham gia chương trình kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế lượng rác thải nhựa một cách hiệu quả, bền vững từ chính hành động nhỏ của mỗi người.
Do đặc tính tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ... cốc dùng một lần làm bằng giấy, nhựa được sử dụng rộng rãi trong nhà hàng, quán ăn, cửa hàng đồ uống, siêu thị tiện ích. Giáo sư Alastair Iles tại Đại học California Berkeley nêu rõ, việc sử dụng cốc dùng một lần dường như đã trở thành một thói quen của người dân. Thống kê của Tạp chí môi trường Waste Advantage (Mỹ) cho thấy mỗi năm người Mỹ thải ra khoảng 50 tỷ cốc dùng một lần các loại, trong khi trung bình cứ 400 cốc mới chỉ có một chiếc được tái chế hoàn toàn bởi chúng được làm từ nguyên liệu hỗn hợp giữa giấy và nhựa rất khó tái chế.
Cùng với nhiều quốc gia khác, Mỹ cũng đang tăng tốc trong cuộc chiến với khủng hoảng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Gần đây, Washington công bố chiến lược toàn diện và có quy mô chính phủ đầu tiên với mục tiêu loại bỏ dần việc mua sắm đồ nhựa dùng một lần tại các sự kiện liên bang đến năm 2027 và loại bỏ hoàn toàn kể từ năm 2035. Trong khi đó, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã cấm hoặc áp dụng một khoản phí đối với một số sản phẩm nhựa như túi mua sắm, hộp xốp, ống hút... Riêng tại California, chính quyền bang đã ban hành đạo luật sâu rộng hơn về việc yêu cầu giảm lượng sản xuất và sử dụng nhựa trong bang này, qua đó buộc các nhà bán lẻ cần tìm cách đạt được các yêu cầu về giảm thiểu và tái chế, cũng như cung cấp các sản phẩm thích hợp cho khách hàng.
VĂN HIẾU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.