Theo AP, miền Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ đang trải qua đợt lạnh giá tồi tệ, với nền nhiệt xuống mức thấp kỷ lục trong ngày 30-1, khiến nhiều trường học, công ty phải đóng cửa, bưu điện dừng chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện. Tại thành phố Chicago, nhiệt độ sáng sớm ngày 30-1 ở mức -28 độ C, phá vỡ mức giá lạnh kỷ lục từng được ghi nhận trước đó vào năm 1966. Tại bang Minnesota, nhiệt độ xuống -34 độ C, trong khi ở Fargo (bang Dakota Bắc), nhiệt độ là -35 độ C.
 |
Xe xúc tuyết làm việc liên tục tại miền Trung Tây nước Mỹ. Ảnh: lci.fr |
Tính đến ngày 31-1, có ít nhất 12 người chết vì giá rét trong những ngày qua ở Mỹ. Tuyết rơi dày cũng khiến giao thông trong vùng bị đình trệ. Các chuyến bay cất, hạ cánh tại sân bay quốc tế O’Hare và Midway ở Chicago đều bị hủy. Thời tiết lạnh giá cũng khiến cơ quan chức năng buộc phải dừng các chuyến tàu điện đến và đi ở Chicago. Cơ quan Bưu điện Mỹ (UPS) cho biết, sẽ ngưng chuyển phát bưu kiện, bưu phẩm ở một số hay toàn bộ các vùng ở miền Trung Tây, bao gồm các bang Dakota Bắc, Dakota Nam, Nebraska, Kansas, Minnesota, Wisconsin, Iowa, Illinois, Indiana và Michigan. Ước tính, khoảng 83 triệu người, bằng 1/4 dân số nước Mỹ, bị ảnh hưởng bởi đợt rét này. Trước thực trạng trên, thống đốc các bang Illinois, Wisconsin và Michigan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel đánh giá mức lạnh sâu như hiện nay thực sự gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đề nghị người dân có cách xử lý phù hợp.
Theo Trung tâm Dịch vụ thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), đợt giá rét này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 4-2. Đặc biệt, ở bang Minnesota, độ lạnh có thể giảm sâu -70 độ C. “Đây là những điều kiện “rất nguy hiểm” và có thể dẫn tới tình trạng hoại tử vì tê cóng tại những khu vực da hở chỉ trong vòng 5 phút ở nơi mà giá trị độ lạnh thấp hơn -50 độ C. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là hạn chế thời gian ở ngoài”, NWS cảnh báo.
Hoàn toàn trái ngược với hình thái thời tiết ở Mỹ, Australia đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài từ cuối năm 2018 cho đến nay với nhiệt độ gần mức 50 độ C. Tại bang New South Wales, chính quyền cảnh báo người dân nên ở trong nhà vào giai đoạn nóng nhất trong ngày, giảm các hoạt động vận động và giữ cơ thể đủ nước. Các loài động vật hoang dã của Australia cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt nắng nóng này. Hơn một triệu con cá đã chết và dạt lên bờ của sông Murray-Darling ở khu vực Đông Nam Australia.
Cục Khí tượng Australia nhận định, biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tần suất hoặc cường độ của các đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán ở nước này. Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, Australia cần tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Australia hiện là một trong những nền kinh tế phát triển phát thải nhiều khí carbon nhất.
Theo Báo cáo về các nguy cơ toàn cầu năm 2019 công bố mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường-khí hậu chiếm 6/10 hiểm họa đối với thế giới, chiếm 5/10 hiểm họa gây tác động nặng nề nhất đối với đời sống con người (thất bại trong việc thực thi Thỏa thuận Paris về khí hậu đứng thứ hai, các các hiện tượng thời tiết cực đoan xếp thứ ba…). Về hiểm họa gây tác động nặng nề nhất, các nguy cơ về môi trường chỉ xếp sau nguy cơ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
BÌNH NGUYÊN