Cơ quan phụ trách các dự án tương lai thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây thông báo một máy bay vận tải C-130 Hercules với vai trò là “tàu mẹ” đã thu hồi thành công một UAV X-61A Gremlins do hãng công nghệ Dynectics cung cấp. Cuộc thử nghiệm được thực hiện từ tháng 10 vừa qua nhưng giới chức Mỹ không tiết lộ địa điểm cụ thể. 

Đây là lần thử nghiệm thành công đầu tiên của chương trình biến C-130 thành “tàu sân bay trên không” đầy tham vọng của Lầu Năm Góc, được biết với tên gọi chính thức là dự án Gremlins.

Trong video mà Cơ quan phụ trách các dự án tương lai công bố, khi hai máy bay bay gần như song song nhau, chiếc C-130 tiến hành mở cửa sau rồi triển khai giá treo thả dây cáp xuống để tóm lấy UAV X-61A. Sau khi kết nối với “cánh tay robot” này, UAV X-61A xếp gọn cánh và được kéo vào bên trong khoang của chiếc C-130.

 Máy bay C-130 thả dây cáp để thu hồi UAV X-61A. Ảnh: Dynectics

“Kết quả trên cho thấy tính khả thi của cơ chế thu hồi UAV đang bay một cách an toàn và đáng tin cậy trong các chiến dịch đường không phân tán trong thời gian tới”, Trung tá Paul Calhoun, Giám đốc dự án Gremlins của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh.

Được triển khai từ năm 2015, dự án Gremlins bắt đầu thử nghiệm công nghệ này trên các UAV X-61A ở chế độ bị động phía dưới cánh của máy bay tác chiến. Từ đầu năm 2020, Cơ quan phụ trách các dự án tương lai và Dynectics đã 9 lần cho UAV tách khỏi máy bay và bay tự do nhưng đều thất bại trong việc thu hồi, cho đến lần mới nhất này mới thành công.

Theo Cơ quan phụ trách các dự án tương lai, giai đoạn tiếp theo của dự án là phóng thử 4 UAV cùng một lúc rồi tiến hành thu hồi trong nửa giờ đồng hồ.

Các cuộc chiến tranh và xung đột gần đây cho thấy UAV đang “lên ngôi” dù chưa thể thay thế hoàn toàn máy bay có người lái. Một phi đội UAV sẽ mang lại ưu thế trên không rất lớn với nhiệm vụ trinh sát, xác định và chỉ thị mục tiêu, tấn công mục tiêu, thu hút hỏa lực, cung cấp thông tin liên lạc...

Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của UAV là giá thành tương đối rẻ và chi phí hoạt động thấp hơn nhiều so với máy bay có người lái, cũng như không gây thiệt hại về sinh mạng.

Trong trường hợp xảy ra xung đột, quân đội Mỹ sẽ chủ yếu sử dụng lực lượng không quân và chính các UAV sẽ trở thành “đội quân tiên phong”. Tuy nhiên, hầu hết UAV cỡ nhỏ và trung bình đều có tầm hoạt động hạn chế, ngoại trừ một số UAV như RQ-4 Global Hawk hay MQ-9 Reaper. Trong khi đó, trạm chỉ huy UAV thường được đặt gần khu vực tác chiến nên dễ trở thành mục tiêu tấn công.

Do vậy, chỉ cần hạ trạm chỉ huy thì đối phương không cần thiết phải lo lắng đến UAV nữa vì chúng sẽ ngay lập tức rơi xuống hay bay một cách vô ích cho đến khi hết nhiên liệu hoặc hết pin. Vì thế, Lầu Năm Góc cố gắng giải quyết vấn đề này bằng dự án Gremlins.

Mục đích cuối cùng mà quân đội Mỹ theo đuổi dự án Gremlins không nhằm thay thế vai trò của các máy bay chiến đấu đa năng hiện tại mà là mở ra một phương thức tác chiến mới cho phép các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, hoặc máy bay vận tải thả các UAV ở một khoảng cách an toàn so với mục tiêu đối phương.

Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, “bầy” UAV sẽ được thu hồi bằng một chiếc C-130 để trở về căn cứ, nơi các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra, tiếp thêm nhiên liệu nhằm bảo đảm chúng có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian sớm nhất. Theo Dynectics, UAV X-61A có thể thực hiện được 20 nhiệm vụ với giãn cách 24 giờ giữa hai lần triển khai.

Tuy nhiên, giải pháp công nghệ này cũng có nhược điểm khi “bãi đáp” C-130 sẽ trở thành mục tiêu của máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không đối phương.

Do đó, “tàu sân bay trên không” chỉ có thể được triển khai thành công trước đối thủ không sở hữu năng lực phòng không mạnh mẽ. “Không dễ dàng gì đánh chìm một tàu sân bay bởi cần phải xuyên thủng hệ thống phòng không của rất nhiều tàu hộ tống. Nhưng để bắn hạ một máy bay vận tải trên trời thì một quả tên lửa là đủ”, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Arsenal Otechestva (Nga) nhận định.

VĂN HIẾU