Theo Reuters, ngày 5-10, bà Georgieva nhấn mạnh rằng các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2020 đã khiến sản lượng toàn cầu sụt giảm 3.700 tỷ USD, mức tăng trưởng hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước đại dịch Covid-19 và triển vọng tăng trưởng trung hạn yếu hơn. Bên cạnh đó, lạm phát dai dẳng đồng nghĩa với việc phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và sự phân mảnh kinh tế có nguy cơ gây tác động nặng nề nhất đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Bà Georgieva lưu ý, báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới của IMF, dự kiến được công bố ngày 10-10 tới, sẽ phản ánh sự phục hồi chậm và không đồng đều với nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong các xu hướng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý. Trong một bài phát biểu, bà Georgieva cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý và nửa đầu năm 2023 đã mang đến một số tin tốt, phần lớn là do nhu cầu dịch vụ tăng cao hơn mong đợi và tiến bộ rõ rệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều này làm tăng cơ hội hạ cánh mềm cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể lơ là cảnh giác”.
 |
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý. Ảnh: CNBC |
Liên quan đến vấn đề lạm phát, Tổng giám đốc IMF lưu ý, giá cả hàng hóa tăng làm giảm sức mua của người tiêu dùng và làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, đồng thời tác động đến những người nghèo nhất trong xã hội. Do đó, chống lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo bà Georgieva, để kiểm soát lạm phát, các nước cần phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Điều vô cùng quan trọng là phải tránh nới lỏng chính sách quá sớm để ngăn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại.
Nhận định trên của người đứng đầu IMF được đưa ra chỉ vài ngày trước khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 190 quốc gia trên thế giới tham dự cuộc họp do IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại thành phố Marrakesh, Morocco vào tuần tới. Đây là cuộc họp đầu tiên được tổ chức ở châu Phi kể từ khi được tổ chức ở thành phố Nairobi, Kenya vào năm 1973. Cuộc họp sẽ diễn ra không xa tâm chấn của trận động đất kinh hoàng hồi tháng 9 vừa qua ở Morocco khiến hơn 2.900 người thiệt mạng.
Theo dữ liệu của IMF, hiện nay, Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất chứng kiến sản lượng quay trở lại mức trước đại dịch. Trong khi đó, Ấn Độ và Bờ Biển Ngà là những điểm sáng khác. Đây là những động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đang chậm lại. Nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với những rủi ro tài chính đáng kể. Phân tích của IMF cho thấy 100 quốc gia có nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp, trong đó hầu hết là các quốc gia châu Phi, không có đủ nguồn lực và khả năng tiếp cận các chương trình hoán đổi tiền tệ. Điều đó khiến họ gặp rủi ro trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính.
Để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về tài chính, IMF đã cung cấp khoảng 320 tỷ USD cho 96 quốc gia kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, các quốc gia này cần thêm ngân sách hỗ trợ. Do đó, IMF đang kêu gọi các nước thành viên có tài chính mạnh hơn nâng hạn ngạch đóng góp cho IMF để góp phần tăng cường khả năng cho vay của tổ chức này. Liên hợp quốc nhận định, các nỗ lực hiện tại nhằm giải quyết khủng hoảng nợ là chưa đủ. Chính vì thế, việc hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ được xem là một trong những ưu tiên thảo luận tại cuộc họp ở Marrakesh, Morocco vào tuần tới.
LÂM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.