Kể từ cuối tháng 7 vừa qua, số lượng tàu được phép đi qua kênh đào Panama giảm từ 40 xuống 32 tàu/ngày và độ sâu tối đa của nước cho tàu, thuyền đi qua chỉ còn 13,4m, giảm so với 15,24m trong điều kiện bình thường trước đây. Theo bà Ilya Espino, việc gia hạn các hạn chế trên sẽ giúp kênh đào Panama duy trì lượng nước trước khi đến mùa mưa tiếp theo. Bà Ilya Espino cho biết thêm, hiện đang là mùa cao điểm tại kênh đào này khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là đến lễ Giáng sinh và hàng hóa đang được vận chuyển nhanh chóng.

Để đi qua được kênh đào Panama, các chủ tàu phải giảm tải trọng lượng hàng hóa. Ảnh: lesechos.fr 

Là một công trình quan trọng của thương mại hàng hải thế giới, kênh đào Panama đang trải qua thời kỳ khó khăn do hạn hán kéo dài. Hậu quả của tình trạng El Nino buộc Ban Quản trị kênh đào Panama thực hiện các biện pháp đặc biệt để hạn chế lưu lượng và khối lượng tàu tải. Điều này đã gây ùn tắc ở cả hai đầu kênh đào dài 80km nối biển Caribe và vịnh Panama ở phía Thái Bình Dương. Ngày 24-8, lượng tàu xếp hàng để đi qua kênh đào lên tới 130 chiếc, sau mức cao nhất hồi đầu tháng 8 là 160 chiếc.

Không giống như kênh đào Suez, kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Kênh đào cắt ngang eo đất Panama, giúp giảm đáng kể thời gian tàu, thuyền đi lại giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cho phép chúng tránh được tuyến đường Cape Horn dài và nguy hiểm quanh cực Nam của Nam Mỹ và tuyến đường ít phổ biến hơn qua quần đảo Bắc Cực và eo biển Bering.

Trong bối cảnh hạn hán kéo dài khiến mực nước ở kênh đào Panama xuống thấp, các chủ tàu phải giảm tải, chia đôi số hàng hóa từ tàu lớn sang hai tàu nhỏ hơn để có thể được phép qua được kênh đào Panama. Một số chủ tàu sử dụng biện pháp chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ kênh đào Panama đến cảng Balboa của Panama. Điều này khiến chi phí vận chuyển của các chủ tàu tăng khá nhiều, trong khi thu nhập hằng năm của Panama giảm sút. Ước tính, nguồn thu của quốc gia này giảm 200-300 triệu USD so với năm ngoái.

PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.