Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết, hải quân Mỹ hiện vận hành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN), các tàu ngầm mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSGN) và các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN). Defense News nhấn mạnh, SSN (X) là một kế hoạch đầy tham vọng của hải quân Mỹ. Sở dĩ được gọi là SSN (X) vì đến nay, thiết kế chính xác của loại tàu ngầm này vẫn chưa được xác định cụ thể.
 |
Tàu ngầm lớp Virginia USS Minnesota của hải quân Mỹ thăm Australia hồi tháng 2-2025. Ảnh: pacom.mil |
Hải quân Mỹ dự kiến SSN (X) sẽ kế nhiệm SSN lớp Virginia, vốn được bắt đầu đặt mua từ tài khóa 1998. Hải quân Mỹ cho biết, SSN (X) sẽ được thiết kế nhằm tăng cường khả năng đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các đối thủ trong cuộc cạnh tranh chiến lược để giành ưu thế dưới biển. Theo đó, SSN (X) sẽ có tốc độ lớn hơn, mang được nhiều vũ khí hơn, có khả năng tàng hình được nâng cao, thích ứng linh hoạt trước các mối đe dọa trong tương lai và có năng lực sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Hải quân Mỹ mong muốn SSN (X) sẽ là một sự kết hợp giữa tốc độ và khả năng mang vũ khí của SSN lớp Seawolf, khả năng tàng hình của SSN lớp Virginia với khả năng sẵn sàng tác chiến và tuổi thọ phục vụ của SSBN lớp Columbia. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính mỗi SSN (X) trị giá khoảng 8,7 tỷ USD, trong khi con số ước tính của hải quân Mỹ đưa ra là 7,1 tỷ USD.
Tham vọng là vậy, nhưng theo một báo cáo mới được CRS công bố, chương trình SSN (X) dự kiến sẽ bị trì hoãn đáng kể. CRS cho biết, trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2026, hải quân Mỹ đề xuất gần 623 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển SSN (X), song khẳng định việc mua sắm SSN (X) sẽ tiếp tục bị trì hoãn đến đầu thập niên 2040 thay vì giữa thập niên 2030. Trước đó, trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2025, hải quân Mỹ đã từng đề cập tới sự trì hoãn này với lý do “hạn chế về ngân sách”.
Từ thực trạng trên, CRS nêu ra một số vấn đề liên quan tới chương trình SSN (X) để Quốc hội Mỹ xem xét. Thứ nhất, liệu rằng hải quân Mỹ đã xác định chính xác các năng lực cần thiết của SSN (X) và phân tích tác động của các năng lực này đến chi phí của SSN (X) hay chưa. Thứ hai, chương trình SSN (X) có tác động thế nào đối với ngân sách dành cho các chương trình ưu tiên khác của hải quân Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp ước tính của CBO về chi phí mỗi chiếc SSN (X) chính xác hơn so với ước tính của hải quân Mỹ. Thứ ba, việc trì hoãn mua sắm SSN (X) có tác động thế nào đối với khả năng duy trì ưu thế dưới biển trong tương lai và việc thực hiện các nhiệm vụ của hải quân Mỹ. Thứ tư, hải quân Mỹ có kế hoạch gì nhằm giải quyết tác động của việc trì hoãn mua sắm SSN (X) đối với ngành công nghiệp đóng tàu ngầm trong nước. Thứ năm, cả hai nhà thầu General Dynamics và Huntington Ingalls Industries hay chỉ một trong hai sẽ tham gia sản xuất SSN (X).
Hải quân Mỹ trì hoãn mua sắm SSN (X) là một chuyện. Trang mạng Defense News cho rằng, hải quân Mỹ cũng cần lưu ý tới năng lực thực tế của ngành công nghiệp đóng tàu ngầm trong nước, vốn đang là “vấn đề cấp bách”. Theo CRS, General Dynamics và Huntington Ingalls Industries hiện là hai nhà thầu chính tham gia các chương trình tàu ngầm của hải quân Mỹ. Đây là hai tập đoàn duy nhất của Mỹ có đủ khả năng đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tất nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm trong nước còn có hàng trăm doanh nghiệp cung ứng cũng như các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu. Điều đáng nói là tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp đóng tàu ngầm trong nước nhìn chung chưa đáp ứng được mục tiêu của hải quân Mỹ giữa lúc lực lượng này chú trọng tăng quy mô hạm đội tàu chiến trong những năm gần đây. Ví dụ tiêu biểu là chương trình SSBN lớp Columbia và chương trình SSN lớp Virginia đã bị chậm tiến độ tới hàng chục tháng.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.