Iran cảnh báo các nước phương Tây rằng sẽ không chấp nhận “những yêu cầu thái quá” trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Kênh truyền hình CGTN ngày 5-11 đưa tin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố Tehran sẽ không rời bàn đàm phán nhưng cũng sẽ phản đối bất kỳ “yêu cầu thái quá” nào có thể gây tổn hại lợi ích của người dân nước Cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Raisi nêu rõ Iran sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt mang tính đàn áp cũng như hành động để “chúng phải được dỡ bỏ”. “Iran hy vọng các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ hướng đến kết quả. Các nhà đàm phán Iran chắc chắn sẽ không từ bỏ yêu cầu chính đáng của người dân Iran, cụ thể là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất công”, CGTN dẫn lời Tổng thống Raisi.
Reuters nhận định những phát biểu của Tổng thống Raisi cho thấy thái độ không thỏa hiệp của Iran trước thềm các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA sắp tới. Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hassan Salami tuyên bố Washington đã thất bại trong việc gây sức ép đối với Tehran. Theo ông, Mỹ đã sử dụng tất cả phương tiện, chính sách và chiến lược nhằm buộc Iran phải khuất phục nhưng rốt cuộc nước Cộng hòa Hồi giáo lại ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Phát biểu của giới chức cấp cao Iran được đưa ra sau khi các bên liên quan đã nhất trí nối lại đàm phán nhằm khôi phục JCPOA tại Vienna (Áo) vào ngày 29-11 tới đây. Trong một thông báo, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các đại diện của Nhóm P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cùng Iran dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận khả năng Mỹ quay trở lại JCPOA cũng như cách thức bảo đảm tất cả các bên đều thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran vào năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân. Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi mới đây thông báo nước này đã tăng gần gấp đôi trữ lượng urani được làm giàu trong chưa đầy một tháng qua. Iran khẳng định các hoạt động làm giàu urani tồn tại lâu nay và vẫn luôn phục vụ mục đích hòa bình.
 |
Tổng thống Ebrahim Raisi thăm nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran, tháng 10-2021. Ảnh: Reuters |
Sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đưa Washington quay trở lại JCPOA. Iran và các cường quốc còn lại tham gia JCPOA (tức Nhóm P4+1) đã nối lại đàm phán vào tháng 4-2021 tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận này trong khi Mỹ tham gia gián tiếp các cuộc đàm phán. Cho đến nay, các bên đã trải qua 6 vòng đàm phán, gần đây nhất là vào ngày 20-6 vừa qua.
Theo một số nguồn tin, các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian nhấn mạnh các cuộc đàm phán sắp tới phải dựa trên “các quyền và lợi ích của các bên”. Trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Bagheri Kani lại nêu rõ mục tiêu của nước này sẽ là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt “trái phép và vô nhân đạo”. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington tin tưởng có thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề “tương đối nhỏ” còn tồn đọng hồi tháng 6 vừa qua, song cảnh báo “cánh cửa cơ hội sẽ không mở mãi”.
VŨ HOÀNG
Theo Reuters, các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh của Mỹ nhận định những kẻ cực đoan trong nước có thể gây ra mối đe dọa bạo lực cho xứ sở cờ hoa chẳng kém gì từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cách đây 80 năm, cuộc đời phi công Liên Xô Zakhar Sorokin đã thay đổi đột ngột, khi chỉ trong một ngày phải trải qua nhiều sự kiện đến nỗi có thể dựng thành phim.