Theo EuroNews, chuyến thăm của Tổng thống Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và các quốc gia phương Tây về vấn đề Ukraine, và Nga đang nỗ lực đa dạng hóa mối quan hệ với các quốc gia châu Á. Chuyến thăm lần này cho thấy Tổng thống V.Putin rất coi trọng việc tăng cường củng cố mối quan hệ với Ấn Độ-đối tác truyền thống của Nga trong nhiều thập kỷ qua. Đây là chuyến công du thứ hai của Tổng thống V.Putin kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sau chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6 vừa qua.
Trên trang Indian Express, nhà bình luận chính trị quốc tế Raja Mohan-Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore-phân tích: Lâu nay, Nga nhận thức sâu sắc về sự mất cân bằng trong quan hệ với các cường quốc. Bất đồng dai dẳng với Mỹ và phương Tây đã khiến Moscow xích lại gần Bắc Kinh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mối quan hệ đó dường như không còn cân xứng, khi nền kinh tế Trung Quốc với quy mô 15.000 tỷ USD ngày nay lớn gấp gần 10 lần so với quy mô nền kinh tế Nga. Trong bối cảnh đó, việc duy trì và thúc đẩy quan hệ đối tác truyền thống với New Delhi có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với Moscow.
 |
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước cuộc gặp thượng đỉnh tại New Dehli ngày 6-12. Ảnh: Reuters. |
Trong khi Nga và Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ chính trị tốt đẹp thì quan hệ thương mại song phương lại trì trệ suốt một thời gian dài. Như vậy, một mối quan hệ chính trị-ngoại giao nồng ấm chưa hẳn đồng nghĩa với một quan hệ thương mại tích cực, nếu mối quan hệ đó không đem lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Trên thực tế, lâu nay, giới kinh doanh Nga đẩy mạnh đầu tư sang châu Âu và Trung Quốc, trong khi các tập đoàn lớn của Ấn Độ cũng hướng vào Mỹ và Trung Quốc.
Thương mại Nga-Ấn hằng năm vẫn duy trì ở mức khoảng 10 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với thương mại của Moscow với Bắc Kinh là hơn 100 tỷ USD. Tương tự, thương mại của Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc đã ở mức 100 tỷ USD. Trong 20 hội nghị thượng đỉnh thường niên trước đó, Nga và Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, song vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ.
Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống V.Putin lần này là tăng cường, mở rộng cơ chế hợp tác kinh tế giữa hai nước, tạo sự đồng thuận và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến Afghanistan và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cả Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ đều có mối quan tâm chung là coi chủ nghĩa khủng bố như một mối đe dọa đối với cả hai quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, những nội dung quan trọng khác hai bên cùng thảo luận là việc ký kết các hiệp ước trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: Thương mại, năng lượng, văn hóa, quốc phòng và công nghệ.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này đã diễn ra hội đàm của Bộ trưởng Quốc phòng và hội đàm của Bộ trưởng Ngoại giao hai nước. Hợp tác quốc phòng Nga-Ấn là một trong những lĩnh vực trọng tâm hàng đầu mà hai bên cùng quan tâm. Trong nhiều thập kỷ qua, Nga là đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ. Tại hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng, hai bên đã ký hợp đồng cho phép một liên doanh Nga-Ấn sản xuất hơn 500.000 khẩu súng AK-203.
Hai bên cũng đang đàm phán một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần, dự án hợp tác sản xuất 200 máy bay trực thăng hạng nhẹ Kamov-226T hai động cơ cho lực lượng vũ trang Ấn Độ. Tháng 11 vừa qua, Nga bắt đầu bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ấn Độ theo hợp đồng mua bán ký kết giữa hai bên từ tháng 10-2018, trị giá gần 5,5 tỷ USD-thương vụ được cho là đã khiến Washington phật lòng và thậm chí còn dự định áp đặt lệnh trừng phạt với New Dehli.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn lần này diễn ra chỉ một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
HÀ PHƯƠNG