Mặc dù còn đang gây nhiều tranh cãi, hiện tiếp tục có những quốc gia triển khai hộ chiếu điện tử tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, được coi như biện pháp giúp cuộc sống trở lại bình thường, hồi phục kinh tế trước những tác động nặng nề của đại dịch. Đan Mạch vừa cho biết sẽ áp dụng hộ chiếu này trong vòng từ 3 đến 4 tháng nữa. Theo đó, để được cấp hộ chiếu điện tử, người dân Đan Mạch sẽ khai báo tình trạng y tế và tiêm chủng của mình trên một ứng dụng công nghệ do chính phủ phát hành cho điện thoại thông minh. Người sở hữu hộ chiếu điện tử sẽ có quyền trở về Đan Mạch mà không cần phải thực hiện cách ly cũng như có thể tự do lui tới các quán bar, nhà hàng, khách sạn...

Covid-19 đang tiến hóa thành các chủng mới khiến giảm hiệu lực ngăn ngừa bệnh của vaccine. Ảnh: Reuters.

Kể ra những tiện ích của loại “hộ chiếu” mới cũng không phải là ít. Trong nhiều thập kỷ, các loại giấy thông hành y tế quốc tế kiểu này đã được áp dụng đối với một số bệnh như sốt vàng da, rubella và dịch tả. Theo đó, người muốn nhập cảnh vào một số nước ở châu Phi phải xuất trình giấy chứng nhận đã được chủng ngừa các loại bệnh này. Theo các chuyên gia, đã tới lúc cần phải tích hợp các dữ liệu y tế cá nhân như thông tin về chủng ngừa vaccine vào các thẻ kỹ thuật số nhằm bảo đảm tiện ích và việc đi lại suôn sẻ hơn. Jamie Smith, giám đốc kinh doanh của Evernym, công ty phát triển phần mềm đang hợp tác xây dựng thẻ vaccine đặt câu hỏi: “Hãy tưởng tượng trong tương lai khi một máy bay hạ cánh xuống sân bay và một trăm người có thẻ thông hành y tế, 100 người khác có ví điện tử tích hợp thông tin y tế, 50 người có giấy tờ chứng minh và 25 người khác có một loại xác nhận nào đó của chính phủ. Sân bay sẽ phải làm gì? Làm thế nào để họ xử lý tất cả giấy tờ của những người này theo cách quy chuẩn và đơn giản nhất?”.

Ở châu Âu, nơi đang chia rẽ vì “hộ chiếu vaccine”, việc phát triển các thẻ kỹ thuật số vaccine kiểu này đang trở nên cấp thiết khi hoạt động buôn bán giấy chứng nhận âm tính Covid-19 đang trở nên phổ biến. Hai quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp hiện vẫn giữ thái độ thận trọng. Cho tới giờ, 27 quốc gia thành viên EU mới chỉ thống nhất đề xuất về việc công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của nhau. Còn việc phát hành “hộ chiếu vaccine” vẫn là câu chuyện của tương lai, nhất là trong bối cảnh virus biến chủng ngày càng được phát hiện nhiều, đang làm cho câu chuyện trở nên phức tạp hơn. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước tình trạng chạy đua sản xuất vaccine Covid-19 như hiện nay, với hiệu quả khác nhau, các nước phải công nhận vaccine của nhau thì “hộ chiếu vaccine” mới có ý nghĩa. Việc này xem ra là điều gần như không thể trong bối cảnh cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 ngày càng trở nên quyết liệt giữa các nước trên thế giới. Ngoài giá trị kinh tế có thể đong đếm được, một số quốc gia còn coi việc dẫn đầu trong lĩnh vực này là một “nhiệm vụ chính trị quan trọng”. Bên cạnh đó, còn có những mối quan ngại về tính riêng tư và chia sẻ dữ liệu.

Một vấn đề gây lo ngại không kém của “hộ chiếu vaccine” đó là gây ra tình trạng đặc quyền, sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa người đã được và chưa được chủng ngừa. Tốc độ tiêm vaccine trên thế giới nói chung hiện nay và ở cả một số nước dẫn đầu về sản xuất vaccine như Mỹ cũng đang còn nhiều hạn chế. Chỉ có rất ít người được tiêm vaccine cho dù đã có những tuyên bố và cam kết chính trị mạnh mẽ được đưa ra về việc này.

Tuy nhiên, bất chấp những bất cập được cảnh báo, trong nỗ lực chật vật mở cửa lại nền kinh tế, các chính phủ và hãng công nghệ trên thế giới đang cân nhắc nhiều hơn việc sử dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi kinh tế, hồi sinh ngành du lịch, giải trí. Một trong những sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi mới nhậm chức là yêu cầu các cơ quan chính phủ đánh giá tính khả thi của việc liên kết các giấy tờ chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 với các hồ sơ tiêm chủng khác và tạo ra phiên bản kỹ thuật số của chúng.

Trong số các hãng công nghệ phát triển “hộ chiếu vaccine”, công ty sinh trắc học iProov và công ty an ninh mạng Mvine là hai doanh nghiệp được Chính phủ Anh tài trợ và có sản phẩm được cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh kiểm tra. Nhằm xoa dịu những lo ngại, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của iProov, ông Andrew Bud cho biết thông tin trên “hộ chiếu vaccine” không cần danh tính, mà chỉ cần xác nhận người mang hộ chiếu đã được tiêm phòng hay chưa và đặc điểm ngoại hình. Để hạn chế những rủi ro liên quan tới “hộ chiếu vaccine”, các hãng công nghệ kêu gọi các nhà lập pháp nên cân nhắc kỹ về cách thức sử dụng loại hộ chiếu này, tin tưởng các chính phủ sẽ cân nhắc cẩn thận trước khi áp dụng.

HẠNH NGUYÊN