“Nghịch lý Cuba”

Người ta vẫn thường cho rằng sức khỏe của người dân tỷ lệ thuận với tiềm lực kinh tế của một quốc gia. Thế nhưng, nhận định ấy lại không đúng với trường hợp của Cuba-nơi người dân có tuổi thọ trung bình cao hơn nhiều quốc gia phát triển, tạo nên “nghịch lý Cuba” như cách gọi của tờ New York Times. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân Cuba vào năm 2011 là 79, hơn cả Mỹ-nơi GDP bình quân đầu người cao gấp 8 lần Cuba. Trong khi đó, theo CNN, Cuba được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công nguy cơ truyền bệnh giang mai và HIV từ mẹ sang con.

Ngoài ra, suốt nhiều năm qua, du lịch chữa bệnh đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Cuba. Sự kiện cựu danh thủ bóng đá Argentina Diego Maradona đến Cuba cai nghiện ma túy vào năm 2000 thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Kể từ đó, lượng du khách nước ngoài đến Cuba với mục đích chữa bệnh ngày càng tăng.

Các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Cuba. Ảnh: Getty Images

Không những vậy, Cuba còn có 50.000 nhân viên y tế được triển khai trên toàn thế giới. Tờ Guardian cho biết, các nhân viên y tế Cuba đang làm việc tại 66 quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, trong đó 40 quốc gia theo các chương trình hợp tác miễn phí. Số liệu chính thức được công bố năm 2016 cho thấy, nhiều năm qua, xuất khẩu dịch vụ y tế của Cuba (nhất là bác sĩ) trở thành nguồn thu chính của đảo quốc Caribe, đạt trung bình 6 tỷ USD/năm.

Hệ thống chăm sóc y tế miễn phí

Không phải ngẫu nhiên mà Cuba, một đất nước kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lại đạt được thành tích y tế nổi bật như vậy. New York Times dẫn lời Giáo sư Jerry Spiegel tại Đại học British Columbia của Canada, người đã nghiên cứu hệ thống y tế của Cuba gần 20 năm qua, cho rằng bị cấm vận kinh tế đã thôi thúc “hòn đảo tự do” phát huy ý thức tự cường và dành nhiều quan tâm hơn cho nghiên cứu sinh hóa.

Theo tờ Business Insider, Cuba coi việc tiếp cận chăm sóc y tế là quyền cơ bản của mọi công dân. Vì vậy, hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng ở Cuba phục vụ miễn phí tất cả người dân. Các bệnh viện tư, phòng khám tư hay những cơ sở y tế tư nhân đều không tồn tại. Chính phủ điều hành tất cả cơ sở và dịch vụ y tế. Chăm sóc nha khoa, cung cấp thuốc và thậm chí là bác sĩ tới tận nhà khám, chữa bệnh đều nằm trong hệ thống này. Những chương trình tiêm chủng toàn dân hay chăm sóc y tế phổ thông khác gần như xóa sổ những căn bệnh như bại liệt, rubella, thủy đậu.  

Với nguồn ngân sách eo hẹp, Cuba phải nghĩ ra cách tiếp cận độc đáo về vấn đề chăm sóc sức khỏe, bao gồm đặt ra quy định khám sức khỏe bắt buộc đối với người dân để nhấn mạnh phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Mọi người dân Cuba ít nhất phải khám sức khỏe một lần mỗi năm và thông thường họ sẽ được các bác sĩ hoặc y tá đến khám ngay tại nhà. 

Hình mẫu cho nhiều quốc gia

Điều đáng nói là nhiều thập kỷ qua, trong khi không ít quốc gia đang phát triển phải đối mặt với tình trạng bác sĩ và các chuyên gia y tế giỏi đổ xô ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn thì Cuba không phải lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám” như vậy. Cuba thậm chí còn luôn sở hữu đội ngũ chuyên gia y tế hùng hậu, được đào tạo kỹ lưỡng. BBC dẫn số liệu của WB cho biết, Cuba có khoảng 90.000 bác sĩ với tỷ lệ 8 bác sĩ/1.000 người dân, nhiều hơn hẳn so với Mỹ (2,5/1.000) và Anh (2,7/1.000). Lý giải cho hiện tượng này, tờ New York Times cho rằng, mặc dù kinh tế còn khó khăn, song tình trạng phân hóa giàu nghèo tại Cuba không đáng kể nên giảm thiểu được tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế.

Tờ Business Insider dẫn lời cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong một chuyến thăm đến Cuba, đã ca ngợi hệ thống chăm sóc y tế của đảo quốc Caribe là “một hình mẫu cho nhiều quốc gia”. Phát biểu tại Hội nghị Y tế quốc tế lần thứ 3 tại thủ đô La Habana mới đây, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng nêu rõ, Cuba có một hệ thống y tế đạt tầm cỡ thế giới và chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyện vọng của người dân là một trong những mô hình mà các nước trên thế giới cần học hỏi. 

BOX: Giữa lúc đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang trực tiếp chữa trị cho thương binh và người dân Việt Nam. Sau chuyến thăm năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro quyết định xây tặng tỉnh Quảng Bình Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới như một món quà thể hiện tình cảm đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam. Đến nay, Cuba vẫn không ngừng thúc đẩy việc hợp tác y tế với Việt Nam, trong đó có việc đưa các bác sĩ Cuba sang làm việc tại Việt Nam, đồng thời đưa các sản phẩm y dược, một thế mạnh của Cuba, đến với thị trường Việt Nam.

HOÀNG VŨ