leftcenterrightdel
Những bé gái sơ sinh tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images 
“Cành cây không nhánh”

Tại Trung Quốc, do truyền thống "trọng nam khinh nữ" và nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, đất nước này đã chứng kiến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở khu vực nông thôn. Theo ước tính của UNFPA, hiện cứ 106,2 đàn ông Trung Quốc thì mới có 100 phụ nữ. Thực trạng này là nguyên nhân của hiện tượng “cành cây không nhánh"-chỉ việc nam giới không tìm được vợ. Dự báo đến năm 2030, khoảng 1/4 số đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 30 sẽ không thể kết hôn.

Ông Chen là một trong số những người làm nghề mai mối sống ở ngôi làng nhỏ tại Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, một trong những địa phương nghèo nhất Trung Quốc. Hành nghề đã được hai năm nay, ông Chen cho biết công việc của ông ngày càng khó khăn. Anh Li Lianfa, 29 tuổi, khách hàng của ông Chen đã mất 7 năm mà vẫn chưa tìm được ý trung nhân. "Hiện nay rất khó để mai mối. 80% số người nhờ tôi là đàn ông, chỉ có 20% là phụ nữ. Rất khó, thực sự rất khó. Tôi sẽ phải sắp xếp rất nhiều cuộc gặp cho 20% phụ nữ đó để có thể mai mối thành công. Tỷ lệ thành công là rất thấp", ông Chen cho biết. Công việc làm ăn của ông Chen chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về những hệ lụy từ sự mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc.

Tìm được vợ đã khó, lấy được vợ lại càng khó hơn. Mất cân bằng giới tính khiến nam giới Trung Quốc thậm chí phải bỏ ra hàng chục nghìn USD để lấy vợ. Chưa kể nhiều nhà gái còn yêu cầu chú rể phải có nhà ở thành phố và có xe hơi.

Cuộc sống của gia đình ông Zhang Hu, một nông dân sống ở ngôi làng miền núi nghèo khó ở tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, chật vật hơn sau đám cưới của con trai. Ông Zhang phải bỏ ra 170.000 nhân dân tệ (khoảng 26.000USD) để cưới vợ cho con, trong đó 130.000 nhân dân tệ là chi phí "mua dâu" trả cho nhà gái. Đây là nghi lễ cưới xin truyền thống phổ biến ở Trung Quốc. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Zhang chỉ khoảng 60.000 nhân dân tệ (9.100USD). Để có tiền làm đám hỏi, ông Zhang đã phải vay mượn 150.000 nhân dân tệ, South China Morning Post đưa tin.

Mức độ ảnh hưởng khó lường

Văn hóa, truyền thống kết hợp với sự can thiệp của khoa học-công nghệ chính là yếu tố khiến thực trạng mất cân bằng giới tính diễn ra ở khu vực châu Á, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trở nên trầm trọng. Việc mong muốn có con trai nối dõi đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của không chỉ mỗi cá nhân, mà cả gia đình và dòng họ. Chính điều này đã khiến việc phá thai để chọn giới tính con vẫn còn rất phổ biến tại châu Á. Một nghiên cứu của tạp chí y học The Lancet số tháng 5-2011 phát hiện ra rằng, có tới 12 triệu thai nhi giới tính nữ bị phá bỏ trong vòng 30 năm tại Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nạo phá thai. Sức ảnh hưởng của tình trạng này đối với kinh tế và xã hội ở một số quốc gia đang lớn đến mức khó mà đo đếm nổi.

Tại Ấn Độ, tình trạng mất cân bằng giới tính khiến nạn lạm dụng và buôn bán phụ nữ gia tăng nhanh chóng, trong khi con số các vụ hãm hiếp đã lên đến mức báo động, trở thành vấn đề nhức nhối tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Các con số thống kê chính thức cho thấy, các vụ hãm hiếp ở Ấn Độ đã tăng lên chóng mặt trong vòng 40 năm qua, từ 2.487 vụ năm 1971 lên 24.206 vụ năm 2011 và hơn 37.000 vụ năm 2014. Số liệu thống kê cho thấy, cứ khoảng 15 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp (chưa kể nhiều trường hợp nạn nhân giấu kín thông tin). Số vụ tấn công phụ nữ nói chung thậm chí còn tồi tệ hơn. Cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo hành. Đây được xem là thách thức nghiêm trọng và vô cùng khó khăn đối với Chính phủ Ấn Độ.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự mất cân bằng giới tính với tình trạng tội phạm tại Trung Quốc. Theo một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Columbia, mất cân bằng giới tính khiến nam giới Trung Quốc khó lấy vợ, tình trạng bạo lực tình dục, bắt cóc trẻ em gái và buôn bán người tăng mạnh. Điều này vô hình trung làm gia tăng gánh nặng với hệ thống an sinh xã hội nước này.

Nhưng những hệ lụy từ mất cân bằng giới tính không chỉ gây ra các vấn đề xã hội mà cả kinh tế. Tại Ấn Độ, nam giới chiếm đa số trong lực lượng lao động cũng như dân số. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Ấn Độ ở khoảng 27% vào năm 2014, thấp hơn so với mức 50% của trung bình toàn cầu. Sự mất cân bằng trong lực lượng lao động đồng nghĩa với việc quốc gia này đang bỏ lỡ tiềm năng lớn trong phát triển. Theo báo cáo của McKinsey, GDP của Ấn Độ vào năm 2025 có thể tăng hơn 60% so với mức hiện nay nếu phụ nữ đóng vai trò cân bằng với nam giới trong lực lượng lao động.

Trong khi đó, mất cân bằng giới tính thậm chí còn được tờ Nikkei nhận định là một trong những nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản Trung Quốc ngày một phình to. Vì ít nữ nên theo lệ bất thành văn, giá trị của nam giới được xác định qua tình trạng sở hữu nhà đất. Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá nhà đất tại quốc gia đông dân nhất thế giới không ngừng tăng cao.

Có thể đảo chiều?

Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc là điển hình về xu hướng "trọng nam khinh nữ". Năm 1990, khi các tiến bộ y học đã có thể hỗ trợ việc chẩn đoán giới tính, sự chênh lệch giữa tỷ lệ trẻ nam-nữ khi sinh ở nước này tăng vọt đến mức cao nhất thế giới, với 116,5 bé trai so với 100 bé gái sinh ra.

Rồi một điều kỳ lạ đã xảy ra. Hàn Quốc đã đảo ngược điều này. Chỉ trong một thế hệ, Hàn Quốc từ một xã hội "khát" con trai trở thành một xã hội nơi các bé gái được chào đón tha thiết. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự giáo dục cùng với cuộc "nổi dậy" của phái nữ đã loại bỏ những tàn dư "thâm căn cố đế" nhiều thập kỷ coi con trai là cần thiết để thừa kế gia tài, hương hỏa tổ tiên, chăm sóc cha mẹ và nối dõi cho dòng họ. Đến năm 2015, theo Liên hợp quốc, tỷ lệ giới tính khi sinh của quốc gia này đã trở lại mức bình thường là 101 bé gái so với 100 bé trai sinh ra. Sự đảo chiều thần kỳ ấy đã mang đến những bài học quan trọng cho những "người khổng lồ" ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, nơi 1/3 dân số thế giới vẫn tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng có con trai.

HÀ LAN