Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra ngày 31-10 nhấn mạnh, cả hai bên cùng chia sẻ quan điểm cho rằng tăng cường trao đổi hợp tác giữa Hàn Quốc và Trung Quốc là để phục vụ lợi ích chung của cả hai bên, nhất trí nhanh chóng đưa việc trao đổi và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trở lại lộ trình phát triển bình thường. Hàn Quốc nhận thức rõ được mối quan ngại của Trung Quốc liên quan tới việc triển khai THAAD, nhấn mạnh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào, cũng như không gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, tại phiên điều trần của Bộ Ngoại giao trước Quốc hội ngày 30-10, đưa ra cam kết ba điểm của chính phủ nước này, gồm: Không xem xét triển khai thêm THAAD; không tham gia các mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu; hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật không mở rộng thành một liên minh quân sự.
Hệ thống THAAD được triển khai tại sân gôn ở Seongju, Hàn Quốc là nguồn cơn gây ra cuộc khủng hoảng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong hơn một năm qua.
Phản ứng trước cam kết trên của Hàn Quốc, trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đánh giá cao cam kết nói trên của Hàn Quốc, đồng thời khẳng định lại lập trường kiên quyết phản đối của Trung Quốc đối với hoạt động triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc cam kết và giải quyết các vấn đề liên quan để đưa quan hệ Trung-Hàn sớm trở lại quỹ đạo ổn định.
Mối quan hệ Hàn-Trung trở nên căng thẳng kể từ tháng 7-2016, sau khi Seoul công bố quyết định cho phép Mỹ triển khai một khẩu đội THAAD trên lãnh thổ nước này. Kể từ đó, Trung Quốc luôn phản đối động thái trên với lý do hệ thống vũ khí hiện đại này, đặc biệt là cụm radar rất mạnh đi kèm, có thể gây phương hại lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Hàn Quốc rút lại quyết định trên.
Trong một năm vừa qua, các biện pháp được cho là trả đũa của Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Hàn Quốc. Tập đoàn Lotte, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc, có lẽ là đơn vị đã phải chịu đựng cú sốc nặng nề nhất từ sự trừng phạt của Bắc Kinh do Lotte đã đồng ý đổi đất cho quân đội triển khai THAAD. Hàng chục cửa hàng bán lẻ của Lotte tại Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa. Hoạt động kinh doanh tự do của Lotte ở Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi lên nắm quyền vào tháng 5-2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trương nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo Hàn-Trung đã có cuộc gặp song phương đầu tiên bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20 tại Hamburg (Đức) tháng 7 vừa qua. Những ngày gần đây đã có nhiều dấu hiệu hy vọng cho việc hàn gắn mối quan hệ Trung-Hàn xuất hiện. Đầu tháng này, hai nước đồng ý gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 64.000 tỷ won (tương đương 55 tỷ USD), một động thái được giới phân tích đánh giá là dấu hiệu làm ấm lại mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai bên. Các hãng hàng không Trung Quốc cũng đang có kế hoạch khôi phục các tuyến bay tới Hàn Quốc.
Hai nước gần đây cũng đã tổ chức hội đàm cấp cao, dưới sự chủ trì của ông Nam Gwan Pyo, Phó giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc và ông Khổng Huyễn Hựu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kiêm đặc trách về vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc và Trung Quốc còn nhất trí tăng cường liên lạc, hợp tác chiến lược đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cùng đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Đà Nẵng ở Việt Nam đang được kỳ vọng tạo ra bước đột phá giải quyết bất đồng tồn tại giữa hai nước trong hơn một năm qua.
BÌNH NGUYÊN