Khi hy vọng tìm thấy các nạn nhân còn sống trong vụ đắm phà Sewol đang tắt dần, cơ quan điều tra Hàn Quốc đã công bố những thông tin “sốc” cho thấy toàn bộ thủy thủ trên phà đã nhận được thông tin di tản sớm và thoát ra kịp thời, trong khi công tác xử lý thông tin cứu hộ bị lơ là, thiếu trách nhiệm.
 |
Gia đình các nạn nhân đang chờ đợi tin tức của người thân có mặt trên chuyến phà định mệnh. Ảnh: Roi-tơ
|
Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, trên phà Sewol có tổng cộng 15 thủy thủ và 9 nhân viên phục vụ. Trước khi phà bị chìm, toàn bộ 15 thủy thủ kịp thoát ra khỏi phà và sống sót, chỉ có 3 trong số nhân viên phục vụ thoát kịp. Trong danh sách thoát nạn này bao gồm cả thuyền trưởng Lee Joon-seok.
Ngày 20-4, giới chức điều tra đã công bố nội dung ghi âm liên lạc giữa nhân viên trên phà Sewol với Trung tâm điều hành giao thông tàu phà Jindo (VTS), trong đó cho thấy các thủy thủ, bao gồm cả các thợ máy đã kịp thoát ra trước hành khách khá lâu. Trong cuộc thẩm vấn của Lực lượng tuần tra bờ biển, một số thợ máy cho biết, họ đã tháo chạy sau khi nhận được một cuộc điện thoại từ máy trưởng ra lệnh hãy rời bỏ phà. Một sĩ quan tuần tra bờ biển khẳng định: “Họ đã tận dụng hiểu biết của mình về kết cấu của con phà và thông tin liên lạc dễ dàng hơn để bảo toàn sinh mạng của mình thay vì cứu các hành khách”.
Đoạn băng ghi âm nói trên cho thấy các nhân viên trên phà đã lúng túng và hoảng loạn khi xảy ra sự cố, do dự trong quyết định sơ tán hành khách vào thời điểm nguy cấp trước khi phà chìm. Theo nội dung ghi âm, trong thời khắc căng thẳng cuối cùng trước khi phà bắt đầu rơi vào tình trạng nguy hiểm, một nhân viên phà chưa rõ danh tính đã nhiều lần hỏi một quan chức VTS xem đội cứu hộ đã lên đường tới hiện trường hay chưa. Nhân viên này cũng thông báo: “Phà chúng tôi đang nghiêng và sắp chìm”. Trong một cuộc trao đổi khác, nhân viên này cho biết không thể thông báo các chỉ dẫn an toàn cho hành khách vì hệ thống thông báo trên phà hỏng vào đúng lúc nguy cấp. Khi quan chức VTS khuyến cáo các nhân viên trên phà cần chỉ dẫn hành khách mặc áo cứu sinh, người nhân viên này hỏi: “Liệu hành khách có được cứu ngay khi rời phà không?”. Quan chức VTS nhấn mạnh: “Ít nhất hãy bảo họ đeo phao cứu sinh ngay lập tức để có thể nổi trên mặt nước”.
Đoạn trao đổi trên cho thấy cuộc tranh cãi giữa các nhân viên trên phà với VTS đã khiến công tác sơ tán hành khách bị trì hoãn. Hai bên còn mất thời gian tranh cãi xem ai là người ra quyết định di tản. Sự thiếu quyết đoán này khiến cho việc ứng cứu càng thêm chậm trễ vì một tàu chở dầu có mặt gần đó đã 4 lần thông báo sẵn sàng ứng cứu. Trong khi đó, các hành khách liên tục được yêu cầu ngồi lại trong khoang. Và đến khi họ được yêu cầu nhảy xuống nước, thì Phó trưởng phà thứ nhất và Trưởng phà đã bỏ phà từ trước đó.
Điều đáng chú ý là phà Sewol đã phát tín hiệu cầu cứu tới Jeju trước tiên, thay vì tới trung tâm tại Jindo gần đó hơn. Cuộc gọi thông báo từ phà Sewol được thực hiện lúc 8 giờ 55 phút nhưng mãi đến 9 giờ 7 phút trung tâm tại Jindo mới liên lạc với phà.
Sau khi những thông tin trên được công bố, ngày 21-4, tại cuộc họp với các trợ lý cấp cao, Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê (Park Geun-hye) đã kịch liệt chỉ trích Trưởng phà và một số nhân viên phà Sewol đã rời khỏi chiếc phà đang chìm, bỏ mặc hàng trăm hành khách. Tổng thống Pắc Cưn Hê coi đây là một hành động “giết người” không thể tha thứ. Bà yêu cầu phải làm rõ mọi diễn biến bất thường trong quy trình vận hành phà và buộc tất cả những người liên quan đối mặt với các trách nhiệm “hình sự và dân sự” theo đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tổng thống Pắc Cưn Hê đã lệnh cho các quan chức nước này điều tra cặn kẽ mọi việc liên quan đến phà Sewol. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc điều tra này là làm thế nào mà một chiếc phà cũ kỹ như vậy lại được nhập khẩu từ Nhật Bản và làm thế nào mà quan chức Chính phủ Hàn Quốc lại chấp thuận việc thay đổi cấu trúc của phà để chứa thêm được nhiều người, cũng như việc tại sao chiếc phà lại được cấp giấy phép hoạt động.
Cùng ngày, thêm 4 nhân viên phà Sewol bị bắt giữ để điều tra về cáo buộc không bảo vệ hành khách. Những người bị bắt giữ này gồm 3 phó trưởng phà và một kỹ sư trưởng, bị cáo buộc chạy khỏi phà khi phà đang gặp nạn. Trước đó, trưởng phà cùng 2 thủy thủ khác đã bị bắt vì cáo buộc tội bất cẩn và bỏ mặc hành khách trong tình huống nguy cấp. Các công tố viên cũng yêu cầu khoảng 40 quan chức Cơ quan điều hành tàu phà Chonghaejin Marine không được rời khỏi Hàn Quốc để chờ điều tra hành vi phạm pháp trong hoạt động quản lý như để phà chở quá tải hoặc sửa chữa thiết kế trái phép.
Theo CNN, lực lượng tuần tra bờ biển ngày 21-4 cho biết, số người thiệt mạng trong vụ chìm phà đã tăng lên 64 trong khi 238 người khác vẫn đang mất tích và chỉ 174 người được cứu sống kể từ sau khi phà bị đắm. Hiện hoạt động cứu hộ vẫn diễn ra khẩn trương và được đẩy nhanh hơn nhờ điều kiện thời tiết tại hiện trường khá thuận lợi trong ngày 21-4.
Hàn Quốc ngày 20-4 đã công bố hai khu vực liên quan trực tiếp tới vụ chìm phà Sewol là vùng thảm họa đặc biệt, nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính từ chính phủ tới gia đình các nạn nhân.
XUÂN PHONG