QĐND Online – Từ đầu năm, khoảng 275.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do hạn hán kéo dài tại phía Afganishtan, cao hơn 52.000 so với số người tha phương cầu thực bởi cuộc chiến chưa có hồi kết ở quốc gia Tây Nam Á này.
Tình hình hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành xương sống của nền kinh tế Afghanistan, đẩy quốc gia bị chiến tranh tàn phá này lâm vào cảnh mất an ninh lương thực.
Tại Afghanistan, khoảng 20 triệu người trong tổng số 30 triệu người dân sống dựa vào nghề nông. Hiện 20 trên 34 tỉnh của Afghanistan đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán.
 |
Người dân Afghanistan thu hoạch lúa mỳ. Ảnh: middleeastpress.com |
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, tình trạng ít mưa và không có tuyết rơi trên phần lớn lãnh thổ Afghanistan khiến sản lượng vụ đông vừa qua giảm 10%, đồng thời gia súc cũng chết hàng loạt do thiếu hụt nguồn thức ăn và nước uống. Điều kiện thời tiết khô và nhiệt độ vẫn ở mức cao làm dấy lên quan ngại sản lượng vụ xuân và hè, sẽ thu hoạch vào cuối năm nay, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước nguy cơ này, nhiều người dân đang đổ về các thành phố tìm cơ hội việc làm và sự sống. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) thống kê, gần 120.000 người “chạy hạn hán” đã đến thành phố Qala-e-Naw ở tỉnh Badghis. Con số này ở thành phố Herat, tỉnh Herat là hơn 100.000. Việc cung cấp nhu yếu phẩm và hàng cứu trợ nhân đạo tại hai địa phương trên đang quá tải do dòng người đổ về ngày càng tăng.
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (WVI) nhấn mạnh, có tới 99% số người ở tỉnh Badghis được hỏi đều khẳng định, tình hình lương thực của họ “xấu hơn” và thậm chí ở mức “tồi tệ” so với cùng kỳ năm trước.
Theo Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm về nạn đói (FEWs Net) của Mỹ, thiếu nước canh tác khiến sản lượng lúa mỳ tại Afghanistan năm 2018 dự kiến xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Ước tính, nước này sẽ thiếu hụt 2,5 triệu tấn múa mỳ trong năm nay, và 2,2 triệu người dân nước này có thể đối mặt với tình trạng “khủng hoảng” an ninh lương thực và cần viện trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế trong những tháng tới đây.
MINH ANH (theo Reuters, Telegraph)