Ngày 24-11, Giáo hoàng Francis đã đến thăm Nagasaki và Hiroshima, hai thành phố của Nhật Bản từng bị Mỹ ném bom nguyên tử vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Theo AFP, trong một đoạn video gửi đến người dân Nhật Bản trước khi rời Vatican, Giáo hoàng Francis đã lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “vô đạo đức”. “Cùng với các bạn, tôi cầu nguyện cho sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được giải phóng một lần nữa trong lịch sử nhân loại”, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh.
 |
Giáo hoàng Francis đến thăm thành phố Nagasaki. Ảnh: Reuters |
Reuters cho biết, trong bài phát biểu tại thành phố Nagasaki, Giáo hoàng Francis bày tỏ sự ủng hộ đối với Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2017 vốn được gần 2/3 các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua nhưng lại bị các cường quốc hạt nhân phản đối. Giáo hoàng Francis gọi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là một sai lầm “không thể nào bào chữa được”, đồng thời kêu gọi các quốc gia từ bỏ loại vũ khí này. “Việc sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác không phải là câu trả lời cho khát vọng hòa bình”, Giáo hoàng Francis khẳng định.
Giáo hoàng Francis cho rằng thế giới đang “bị thống trị bởi sự chia rẽ, nơi những nỗ lực bảo vệ ổn định và hòa bình bị chi phối bởi sự sợ hãi và ngờ vực”. “Hòa bình và sự ổn định của thế giới không thể nào tồn tại cùng với những nỗ lực gieo rắc tâm lý sợ hãi hủy diệt lẫn nhau hay đe dọa hủy diệt hoàn toàn”, Giáo hoàng Francis nêu rõ.
Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 6-8-1945, Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, khiến 78.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Tới ngày 9-8-1945, Mỹ lại ném một quả bom nguyên tử khác xuống thành phố Nagasaki, khiến 27.000 người thiệt mạng ngay tức thì. Khoảng 400.000 người đã chết sau đó vì các căn bệnh liên quan đến nhiễm phóng xạ và các vết thương do hai quả bom nguyên tử của Mỹ gây ra. “Thành phố Nagasaki này khiến chúng ta nhận thức sâu sắc được nỗi đau và sự kinh hoàng mà con người có thể gây ra cho nhau. Ở đây, ngay tại thành phố từng chứng kiến những thảm họa nhân đạo và môi trường do tấn công hạt nhân gây ra này, những nỗ lực của chúng ta lên tiếng phản đối chạy đua vũ trang sẽ không bao giờ là đủ. Những nguồn lực dành cho chạy đua vũ trang nên được sử dụng để phát triển và bảo vệ môi trường”, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại lễ tưởng niệm 74 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực hiện thực hóa “một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Thủ tướng Abe Shinzo nhấn mạnh, là quốc gia duy nhất trên thế giới phải hứng chịu bom nguyên tử trong chiến tranh, Nhật Bản kiên định với nghĩa vụ loại bỏ vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Abe Shinzo khẳng định Nhật Bản cam kết đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với không sở hữu vũ khí hạt nhân, “kiên trì thuyết phục các nước này hợp tác và có một cuộc đối thoại”.
Thông điệp của Giáo hoàng Francis được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và số phận của Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START-3) vốn sẽ hết hiệu lực năm 2021 vẫn đang còn bấp bênh. Việc phá bỏ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân được nhìn nhận sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang như thời kỳ "Chiến tranh lạnh". Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thế giới hiện vẫn còn 13.865 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia gồm: Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.
HOÀNG VŨ